1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga chỉ rõ vai trò của NATO trong xung đột Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Moscow cáo buộc sự can dự của phương Tây vào xung đột Ukraine ngày càng trở nên rõ ràng, buộc Nga phải có các biện pháp đề phòng.

Nga chỉ rõ vai trò của NATO trong xung đột Ukraine - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: TASS).

"NATO là một tổ chức thù địch với chúng tôi. Họ đang khẳng định sự thù địch này mỗi ngày và đang cố gắng làm cho sự can dự của họ vào cuộc xung đột xung quanh Ukraine ngày càng rõ ràng hơn", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu trước báo chí hôm 14/2.

Ông Peskov nói, liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đã chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine và "tất cả cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang hoạt động chống lại Nga".

Ông nhấn mạnh, các hoạt động của NATO buộc Nga phải có các biện pháp đề phòng nhất định.

Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cách đây gần một năm với tuyên bố bảo vệ người dân ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine và đáp lại việc Kiev không tuân thủ thỏa thuận Minsk 2014-2015.

Ra đời năm 2015, thỏa thuận Minsk do Pháp và Đức bảo trợ được kỳ vọng đặt dấu chấm hết cho chiến sự miền Đông Ukraine và tháo ngòi căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Điều khoản cốt lõi của thỏa thuận là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các bên phải nhất trí rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực tiền tuyến. Theo thỏa thuận, quân đội Ukraine được tái kiểm soát khu vực biên giới giáp Nga, trong khi tất cả lực lượng và lính đánh thuê nước ngoài phải rút khỏi miền Đông Ukraine. Chính phủ Ukraine cũng nhất trí cải cách hiến pháp, nhằm cấp quyền tự trị lớn hơn cho vùng Donbass. Việc thực thi đầy đủ các Thỏa thuận Minsk sẽ loại trừ khả năng Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận chính quyền của ông từ chối thực hiện các thỏa thuận Minsk vì đó chỉ là "sự nhượng bộ" ở phía Ukraine.

Chính quyền của ông Zelensky cũng nhấn mạnh, hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga đồng ý rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea và vùng Donbass.

Trong khi triển vọng hòa đàm Nga - Ukraine tiếp tục mờ mịt, Mỹ và các đồng minh NATO tuyên bố hỗ trợ quân sự cho Ukraine đến khi cần nhằm giúp Kiev có vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán. Suốt một năm qua, NATO đã cung cấp cho Kiev nhiều loại khí tài khác nhau, từ vũ khí phòng vệ cỡ nhỏ cho đến vũ khí hạng nặng, hệ thống phòng không.

Các bộ trưởng quốc phòng NATO đang họp thượng đỉnh tại Brussels để thảo luận tăng cường hỗ trợ Ukraine. Hôm qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hối thúc các nước thành viên đẩy mạnh sản xuất đạn dược trong bối cảnh mức tiêu thụ ở Ukraine lớn hơn năng lực sản xuất của khối. Ông cũng cho biết, NATO hiện tập trung đáp ứng cho Ukraine những khí tài mà khối đã cam kết, mà chưa tính đến máy bay chiến đấu.

Tại một cuộc họp báo ở Brussels, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nói: "Trong những tháng gần đây, nhóm hỗ trợ đã cam kết cung cấp cung cấp số lượng đáng kể khí tài cho Ukraine, gồm: xe tăng, đạn dược, hệ thống phòng không. Trong đó, 11 nước cam kết chuyển xe tăng, 22 nước cam kết gửi xe chiến đấu bộ binh, 16 quốc gia cung cấp đạn dược, 9 quốc gia chuyển pháo phòng không".

Nga chỉ rõ vai trò của NATO trong xung đột Ukraine - 2

Cục diện toàn chiến trường Ukraine (bên trái) và mặt trận miền Đông (Đồ họa: ISW).

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine