1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cáo buộc Ukraine tấn công làng biên giới bằng đạn chùm

Minh Phương

(Dân trí) - Thống đốc tỉnh Bryansk của Nga cáo buộc quân đội Ukraine đã sử dụng đạn chùm để tấn công làng Klimovo ở biên giới giữa hai nước.

Nga cáo buộc Ukraine tấn công làng biên giới bằng đạn chùm - 1

(Ảnh minh họa: Reuters).

"Quân đội Ukraine đã bắn đạn chùm vào làng Klimovo. Theo thông tin ban đầu, không có thương vong. Tuy nhiên, một số tòa nhà và nhà dân bị hư hại", Thống đốc tỉnh Bryansk Alexander Bogomaz ngày 3/10 cho biết trên Telegram.

Lực lượng cứu hộ đã có mặt tại hiện trường trong khi giới chức trách địa phương tiếp tục đánh giá thiệt hại sau vụ tấn công.

Ukraine chưa ra đưa ra bình luận, Reuters cũng chưa thể kiểm chứng cáo buộc của quan chức Nga.

Nga cáo buộc Ukraine tấn công làng biên giới bằng đạn chùm - 2

Vùng Bryansk nằm ở biên giới giữa Nga và Ukraine (Bản đồ: FT).

Bom đạn chùm là loại vũ khí có tính sát thương diện rộng, giúp tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Tuy nhiên, các đầu đạn này cũng có tỷ lệ xịt nhất định. Đạn xịt có thể sót lại ở các vùng đất bị tấn công và gây nguy hiểm cho người dân suốt hàng thập kỷ sau đó.

Việc sử dụng bom chùm đã bị hơn 120 quốc gia cấm trên toàn cầu. Mỹ đã viện trợ bom đạn chùm cho Ukraine, song Kiev cam kết không sử dụng vũ khí này để tấn công lãnh thổ Nga hay sử dụng ở các khu dân cư.

Nga cáo buộc Ukraine tấn công làng biên giới bằng đạn chùm - 3

(Đồ họa: Guardian).

Đến nay Nga khẳng định chưa sử dụng bom đạn chùm trong chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, hồi tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói Moscow có thể xem xét lại quyết định này trong tình hình hiện nay.

Xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài gần 600 ngày và đang trở thành một cuộc chiến tiêu hao kéo dài gây tổn thất lớn cho cả 2 bên.

Theo giới quan sát, Nga đang tìm cách kéo dài cuộc chiến cho đến khi các nước phương Tây viện trợ cho Ukraine cảm thấy mệt mỏi và có thể quay lưng lại với Kiev. Trong một cuộc chiến tiêu hao, Nga được cho là có lợi thế hơn so với Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua 2/10 nhận định, phương Tây sẽ sớm hụt hơi với cuộc chiến ở Ukraine và việc Mỹ không đưa gói viện trợ Ukraine vào dự luật ngân sách tạm thời thông qua cuối tuần trước là một trong những dấu hiệu.

Mỹ là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Kể từ tháng 2/2022 đến nay, Washington đã cấp hơn 43 tỷ USD viện trợ an ninh cho Kiev.

Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược (CSIS), nhận định Ukraine sẽ sớm cạn kiệt đạn dược và vũ khí cần thiết nếu các nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn ở Mỹ thành công trong việc chặn viện trợ.

"Đó (Mỹ ngừng viện trợ) sẽ là kịch bản tồi tệ đối với Ukraine. Quân đội Ukraine sẽ suy yếu, thậm chí sụp đổ, ngay cả khi chỉ cần ở thế phòng thủ", ông Cancian nói.

Cũng theo chuyên gia này, nếu Mỹ cắt viện trợ Ukraine, tác động đến cục diện chiến trường sẽ rất nhanh chóng, có thể chỉ vài tuần.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như các đồng minh châu Âu khẳng định sẽ tiếp tục viện trợ Ukraine.

Theo TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine