Nga cảnh báo việc Mỹ ủng hộ Ukraine tấn công mục tiêu quân sự ở Crimea
(Dân trí) - Quan chức Nga đã chỉ trích quan điểm của Washington, sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này ủng hộ các cuộc tấn công của Ukraine vào các cơ sở quân sự ở Crimea.
"Tuyên bố của một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 16/2 về việc hỗ trợ lực lượng vũ trang Ukraine thực hiện các cuộc tấn công vào Crimea đã xác nhận rõ ràng quan điểm của Nga rằng, Mỹ có liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột. Quan chức này đã thừa nhận, chính quyền Mỹ đang thúc đẩy tham vọng của chính quyền Kiev về việc tấn công đất nước chúng tôi", Igor Girenko, thư ký báo chí của đại sứ quán Nga tại Mỹ, cho biết.
Theo ông Girenko, Washington "đang tích cực cung cấp cho Kiev các hệ thống hiện đại được sử dụng để tấn công các khu vực của Nga", đồng thời "cố vấn cho các chỉ huy quân sự Ukraine". Ông cũng nhận định Kiev và Washington trên thực tế đã "cùng nhau lên kế hoạch cho các chiến dịch quân sự".
"Xúi giục Kiev tấn công Crimea cũng giống như kích động họ tấn công Moscow hoặc Vladivostok. Chúng tôi coi lập trường này của Washington là biểu hiện rõ ràng cho lập trường gây hấn của Mỹ đối với đất nước chúng tôi", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland hôm 16/2 tuyên bố, Washington ủng hộ các cuộc tấn công của Ukraine vào các cơ sở quân sự ở Crimea.
"Đó là những mục tiêu hợp pháp. Ukraine đang tấn công các mục tiêu đó và chúng tôi ủng hộ điều đó. Ukraine sẽ không an toàn trừ khi Crimea ít nhất, ở mức tối thiểu, được quân sự hóa", bà Nuland nói, đề cập đến các cơ sở quân sự của Nga ở Crimea.
Nhà ngoại giao Mỹ cho rằng Nga đề xuất "hòa bình giả tạo" liên quan đến Ukraine trong khi Kiev đang khao khát "hòa bình công bằng".
"Ukraine đã đưa ra một công thức cho nền hòa bình công bằng theo 10 điểm của Tổng thống (Volodymyr) Zelensky, trong khi Nga tiếp tục nói về một nền hòa bình giả tạo", bà Nuland nói.
"Điều chúng tôi cần là nền hòa bình lâu dài, nơi Ukraine không chỉ có thể tồn tại mà còn phát triển trong biên giới quốc tế của họ. Chúng tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ kiểu hòa bình giả tạo nào, vốn chỉ mang lại cho Nga cơ hội nghỉ ngơi, tập hợp lại (lực lượng) và quay trở lại (Ukraine)", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói thêm.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Zelensky đã nêu công thức hòa bình gồm 10 điểm nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Mặc dù phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán, song Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Ukraine sẽ "không thỏa hiệp về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" để có được hòa bình. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, các đề xuất hòa đàm do Tổng thống Ukraine đưa ra là "phi thực tế và không đầy đủ".
Nga sáp nhập Crimea từ tháng 3/2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi và coi đây là một phần lãnh thổ không thể tách rời, không thể thương lượng. Quan điểm này là một trong những trở ngại khiến các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine bế tắc. Kiev tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine, bao gồm cả vùng Donbass và bán đảo Crimea.
Crimea hiện vẫn đóng vai trò như một căn cứ mà Nga triển khai máy bay và tàu chiến sát Ukraine. Tại bán đảo này, Nga bố trí các hệ thống phòng không, kho đạn dược và hàng chục nghìn binh lính. Crimea cũng là khu vực quan trọng giúp Nga mở chiến dịch quân sự trong năm 2022. Từ Crimea, Nga đã kiểm soát được một khu vực rộng lớn lãnh thổ ở miền Nam Ukraine.
Ukraine từ lâu kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa để có thể tấn công các mục tiêu nằm sâu sau chiến tuyến của Nga, trong đó có Crimea. Nga nhiều lần cảnh báo, nếu phương Tây cấp cho Ukraine những vũ khí có thể tấn công Crimea, đó sẽ là hành động cực kỳ nguy hiểm.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh quốc tế Celeste Wallander tuần trước tuyên bố, chính quyền Mỹ không phản đối các cuộc tấn công của Kiev nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Ukraine là bên quyết định những khí tài mà Washington viện trợ sẽ được sử dụng như thế nào và ở đâu để "bảo vệ lãnh thổ của họ".