Nga cảnh báo triển khai tên lửa hạt nhân đáp trả phương Tây
(Dân trí) - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 4/8 tuyên bố không loại trừ khả năng Moscow triển khai tên lửa hạt nhân để đáp trả các hành động của phương Tây.
Nga có thể triển khai tên lửa hạt nhân
"Tôi không loại trừ bất kỳ khả năng nào", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov trả lời hôm 4/8 khi được hỏi liệu Nga có lên kế hoạch triển khai tên lửa hạt nhân để đáp trả việc Mỹ đặt tên lửa ở Đức hay không.
"Tôi khẳng định, nếu Tổng tư lệnh tối cao Lực lượng vũ trang Nga Vladimir Putin hoặc quân đội Nga nói chúng tôi cần triển khai đầu đạn đặc biệt, điều đó sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, quyết định này phải dựa trên nền tảng cân nhắc giữa nhiều yếu tố. Tôi không loại trừ khả năng sẽ đến lúc cần đến nó", nhà ngoại giao Nga phát biểu.
Tuyên bố của ông Ryabkov được đưa ra trong bối cảnh truyền thông Mỹ tháng trước đưa tin, trong tuyên bố chung, Washington và Berlin cho biết sẽ bắt đầu triển khai hỏa lực tầm xa tại Đức vào năm 2026.
Những tên lửa này sẽ có tầm bắn xa hơn đáng kể so với các hỏa lực trên bộ đang được triển khai ở châu Âu.
"Những ý tưởng như vậy chỉ làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua tên lửa và có thể dẫn đến leo thang không kiểm soát", Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nhấn mạnh.
Hôm 28/7, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo, Moscow sẽ bố trí những tên lửa tương tự trong phạm vi có thể tấn công phương Tây nếu tên lửa tầm xa của Mỹ xuất hiện trên lãnh thổ Đức.
Nga không đơn phương nhượng bộ để giải quyết xung đột Ukraine
Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông hôm qua, ông Ryabkov cũng nêu rõ, Nga sẽ không đưa ra những nhượng bộ đơn phương với phương Tây để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.
"Thời điểm cho những nhượng bộ đơn phương của Moscow đã trôi qua và không thể thay đổi được. Trong tương lai, dù là trong kịch bản mối quan hệ giữa chúng tôi với NATO và EU được cải thiện tốt nhất, cũng sẽ không có sự nhượng bộ đơn phương từ phía chúng tôi với phương Tây", ông nhấn mạnh.
Nhà ngoại giao Nga phát biểu thêm: "Sẽ không có sự bố thí, nhượng bộ hay cử chỉ nào khác để xoa dịu Mỹ. Nếu họ cố đơn phương áp đặt lên chúng tôi điều gì đó có lợi cho họ, thì sẽ không có thỏa thuận nào cả".
Xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 2 năm và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc, đình trệ kể từ tháng 3/2022.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thậm chí đã ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Gần đây, ông Zelensky bất ngờ kêu gọi Nga ngồi vào bàn đàm phán nhằm giải quyết xung đột.
Mặc dù vậy, chính quyền Tổng thống Zelensky vẫn giữ quan điểm không nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.