1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga cảnh báo triển khai tên lửa hạt nhân

Minh Phương

(Dân trí) - Nga không loại trừ khả năng triển khai tên lửa hạt nhân để đáp trả việc Mỹ đặt tên lửa tầm xa ở Đức.

Nga cảnh báo triển khai tên lửa hạt nhân - 1

Một vụ thử tên lửa của Nga (Ảnh: Sputnik).

"Tôi không loại trừ bất cứ phương án nào", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 18/7 trả lời câu hỏi của phóng viên liệu Moscow có triển khai tên lửa hạt nhân để đáp trả việc Mỹ triển khai tên lửa ở Đức hay không.

Nhà ngoại giao Nga nói thêm: "Nếu các quan chức từ chính phủ Đức tin rằng việc thực hiện các hoạt động gây hấn, chúng tôi sẽ đáp trả bằng các biện pháp trả đũa mà chúng tôi cho là phù hợp".

Theo ông Ryabkov, với năng lực tổng hợp của các nước NATO, Nga cần điều chỉnh phản ứng của mình mà không cảm thấy bất kỳ "ràng buộc nội bộ nào về việc triển khai những gì, ở đâu và khi nào".

Ông nêu rõ: "Điều đó nói lên rằng, có rất nhiều lựa chọn. Đây không phải là đe dọa bất kỳ ai, mà là cách tìm ra phương pháp hiệu quả nhất để ứng phó với những thách thức đang thay đổi".

Thứ trưởng Ryabkov nói thêm: "Thật không may, vào thời điểm này, phương Tây đang có xu hướng leo thang, tìm kiếm những lý do xa vời để buộc tội chúng tôi. Điều này sẽ không ngăn cản chúng tôi nỗ lực đảm bảo an ninh dọc toàn bộ biên giới Nga, chắc chắn bao gồm cả khu vực hoạt động quân sự đặc biệt".

Vào cuối hội nghị thượng đỉnh NATO tuần trước, Mỹ và Đức đã thông báo tên lửa hành trình của Mỹ sẽ được đặt tại Đức từ năm 2026.

Washington tiết lộ các hệ thống vũ khí được triển khai tới Đức sẽ bao gồm tên lửa phòng không SM-6, có tầm bắn lên tới 460km và tên lửa hành trình Tomahawk, được cho là có thể tấn công các mục tiêu ở cách xa hơn 2.500km.

Nhà Trắng cho biết "vũ khí siêu vượt âm đang phát triển" cũng sẽ được đặt ở Đức và sẽ có "tầm bắn xa hơn đáng kể so với các vũ khí trên đất liền hiện nay ở châu Âu".

Việc triển khai những loại vũ khí như vậy trước đây bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) thời Chiến tranh Lạnh, nhưng Washington đã rút khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt này vào năm 2019.

Theo Sputnik