Nga nêu học thuyết hạt nhân, cảnh báo thảm kịch toàn cầu
(Dân trí) - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moscow đang nỗ lực ngăn chặn một cuộc xung đột toàn cầu, nhưng các đối thủ không hành động như vậy.
Trong cuộc phỏng vấn với aif.ru hôm 17/7, khi được hỏi liệu Nga có nên sử dụng nhiều loại vũ khí hơn trong cuộc xung đột Ukraine hay không, trong bối cảnh ngày càng có nhiều hạn chế được Mỹ dỡ bỏ, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói: "Trong mọi trường hợp, Nga sẽ hành động tuân thủ chặt chẽ Hiến chương Liên hợp quốc và các văn kiện quan trọng khác, cũng như các quy tắc được chấp nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế".
"Chỉ cần ngăn chặn được thảm kịch toàn cầu, chúng tôi sẽ cố gắng làm như vậy. Đáng tiếc, các đối thủ hiện tại của chúng tôi không có chung nguyện vọng với chúng tôi và chúng tôi không thể trông cậy vào sự thông thái, ý chí cũng như khát vọng hòa bình của họ. Điều đó có nghĩa là mọi khả năng đều có thể xảy ra", ông Medvedev cảnh báo.
Cựu tổng thống Nga nói rằng Moscow có nền tảng đạo đức và pháp lý để đưa ra phản ứng tương xứng hoặc bất tương xứng trước bất kỳ mối đe dọa trực tiếp nào đối với an ninh và chủ quyền của Nga.
"Điều này nằm trong các Nguyên tắc cơ bản của Chính sách Quốc gia về Răn đe Hạt nhân (học thuyết hạt nhân). Tiềm năng của chúng tôi - quân sự, kỹ thuật và kinh tế - là quá đủ để bảo vệ công dân của đất nước chúng tôi và các quốc gia thân thiện", ông Medvedev nói thêm.
Về lý thuyết, học thuyết hạt nhân cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp một quốc gia khác sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Moscow hoặc nếu "sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa".
Nga nêu điều kiện đối thoại với Mỹ
Cùng ngày, tại cuộc họp báo ở Liên hợp Quốc sau khi tham gia các cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow sẵn sàng tham gia đối thoại khi phương Tây tỉnh táo lại và từ bỏ cơn cuồng ưu thế của mình.
"Nếu những người đồng cấp của chúng tôi (ở phương Tây) tỉnh táo và vượt qua cơn cuồng ưu thế, sự vĩ đại và sự vô tội của chính họ, chúng tôi sẽ ngồi xuống để đối thoại và lắng nghe những gì họ nói với chúng tôi. Chúng tôi không có thói quen đuổi theo và dỗ dành họ", ông Lavrov nói.
Ông Lavrov đề cập đến bài phát biểu của Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tại Liên hợp quốc, trong đó chủ yếu đề cập đến việc "phần còn lại của Liên minh châu Âu hầu như đang bắt tay vào phá hoại và tẩy chay các sự kiện trong nhiệm kỳ chủ tịch Hungary" vì Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tới Moscow và Bắc Kinh và kêu gọi hòa bình.
"Thật đáng kinh ngạc. Liên minh châu Âu, được thành lập để đảm bảo phúc lợi và sự ổn định của tất cả các thành viên, giờ đã phát triển thành một phần phụ của NATO. Liên minh châu Âu bây giờ cũng không kém phần quyết liệt, thậm chí đôi khi còn quyết liệt hơn, trong việc kêu gọi phải đánh bại Nga. Có thể có kiểu đối thoại chiến lược hay bất kỳ hình thức nào khác không?", nhà ngoại giao Nga nói.
Theo ông Lavrov, trong trật tự thế giới mới, Mỹ sẽ phải từ bỏ tham vọng quyết định tuyệt đối mọi việc.
"Họ đơn giản phải chấp nhận thực tế và ngừng tuyên bố rằng Mỹ sẽ quyết định mọi việc ở mọi nơi", ông Lavrov nói khi được hỏi về vai trò của Mỹ trong trật tự thế giới đa cực mới.
Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác với bất kỳ nhà lãnh đạo đắc cử nào của Mỹ, nếu họ sẵn sàng tổ chức một cuộc đối thoại bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
"Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần chỉ ra rằng, chúng tôi sẽ làm việc với bất kỳ nhà lãnh đạo Mỹ nào, người được người dân Mỹ bầu chọn và người sẵn sàng cho một cuộc đối thoại bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau", nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nhấn mạnh.
Ông Lavrov nhắc lại rằng khi ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ, "bất chấp các biện pháp trừng phạt rất nghiêm khắc, các cuộc đối thoại vẫn diễn ra". Theo ngoại trưởng Nga, điều đó "rất hữu ích trong mọi trường hợp".