1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga cảnh báo nguy cơ xung đột trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cảnh báo về kịch bản thảm họa nếu các cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới nổ ra xung đột.

Nga cảnh báo nguy cơ xung đột trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân - 1

Một tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars của Nga (Ảnh: TASS).

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 22/4 chỉ trích sự hỗ trợ quân sự của Mỹ, Anh và Pháp cho Ukraine. Ông cáo buộc động thái này đã đẩy thế giới đến bờ vực xung đột trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới và kịch bản này có thể kết thúc trong thảm họa.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã gây ra sự đổ vỡ tồi tệ nhất trong quan hệ giữa Nga và phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Hai ngày sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine, Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc Washington và NATO bị ám ảnh bởi ý tưởng gây ra "thất bại chiến lược" cho Nga.

Ông Lavrov cho rằng sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine đang đẩy Mỹ và các đồng minh đến bờ vực xung đột quân sự trực tiếp với Nga.

Phát biểu tại một hội nghị ở Moscow về không phổ biến vũ khí hạt nhân, ông Lavrov nói: "Phương Tây đứng bấp bênh trên bờ vực của một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân, điều có thể gây ra hậu quả thảm khốc. Chúng tôi nhận thấy những rủi ro chiến lược nghiêm trọng trong việc này, dẫn đến mức độ rủi ro hạt nhân gia tăng".

Kể từ khi chiến sự nổ ra, Nga đã nhiều lần cảnh báo về những rủi ro hạt nhân gia tăng, động thái mà Mỹ cho rằng họ phải nghiêm túc xem xét, mặc dù Washington cho biết họ không thấy có sự thay đổi nào trong quan điểm hạt nhân của Moscow.

Khi mối quan hệ xấu đi, Nga và Mỹ đều lên tiếng lấy làm tiếc về sự tan rã của mạng lưới các hiệp ước kiểm soát vũ khí nhằm làm chậm cuộc chạy đua vũ trang trong Chiến tranh Lạnh và giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Nga và Mỹ cho đến nay là những cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, nắm giữ hơn 10.600 trong số 12.100 đầu đạn hạt nhân của thế giới. Trung Quốc có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3, tiếp theo là Pháp và Anh.

Ông Lavrov cho rằng, do cuộc khủng hoảng hiện nay, Nga không có cơ sở để đối thoại với Mỹ về kiểm soát vũ khí.

Ông nói: "Trong bối cảnh một cuộc chiến tổng lực đang diễn ra chống lại chúng tôi, không có cơ sở để đối thoại với Mỹ về kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược nói chung".

Ông cáo buộc phương Tây đang cố gắng áp đặt các hạn chế đối với kho vũ khí hạt nhân của Nga và Trung Quốc, đồng thời phát triển năng lực phi hạt nhân nhằm đạt được ưu thế quân sự đơn phương.

Ông Lavrov cho biết phương Tây đang xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu có thể tấn công đối thủ; đặt vũ khí hạt nhân ở châu Âu; đặt tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở các khu vực trên thế giới và chuẩn bị triển khai vũ khí trong không gian.

Vào tháng 2, Nga tuyên bố phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian và bác bỏ cáo buộc của Washington rằng Moscow đang phát triển năng lực hạt nhân trong vũ trụ.

Mỹ cho biết họ đang phát triển khả năng phòng thủ theo các thỏa thuận quốc tế. Họ nói rằng chỉ muốn sử dụng không gian vũ trụ một cách hòa bình và các kế hoạch phòng thủ tên lửa của họ chỉ nhằm mục đích tự vệ.

Ông Lavrov cũng cáo buộc phương Tây tiến hành chiến dịch tuyên truyền nhằm làm mất uy tín của Nga.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm