1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cảnh báo hậu quả nguy hiểm với Mỹ, NATO

Minh Phương

(Dân trí) - Moscow cảnh báo, nếu Mỹ và NATO tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, các nước này sẽ đối mặt với "hậu quả nguy hiểm".

Nga cảnh báo hậu quả nguy hiểm với Mỹ, NATO - 1

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: Newsweek).

Trả lời phỏng vấn Newsweek, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 7/10 cảnh báo, Mỹ sẽ phải đối mặt với "hậu quả nguy hiểm" nếu tiếp tục tăng viện trợ quân sự cho Ukraine thay vì ủng hộ một giải pháp do Nga đề xuất, trong đó Moscow sẽ tiếp quản các vùng lãnh thổ Ukraine.

"Washington và các đồng minh NATO cung cấp hỗ trợ chính trị, quân sự và tài chính cho Kiev để cuộc chiến tiếp tục. Họ đang thảo luận về việc cho phép quân đội Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Đùa với lửa theo cách này có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm", Ngoại trưởng Lavrov nói.

Ông cũng nêu rõ: "Nga sẵn sàng chấp nhận một giải pháp chính trị - ngoại giao nhằm loại bỏ những nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng này, nhằm mục đích chấm dứt xung đột hơn là đạt được lệnh ngừng bắn".

Nhà ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh, tình hình thực tế để giải quyết xung đột ở Ukraine đã thay đổi đáng kể kể từ năm 2022, bao gồm cả về mặt pháp lý.

"Thỏa thuận Istanbul được các phái đoàn Nga và Ukraine ký kết vào ngày 29/3/2022 có thể làm cơ sở cho việc giải quyết xung đột. Thỏa thuận yêu cầu Ukraine không được gia nhập NATO và cũng bao gồm các bảo đảm an ninh cho Ukraine và thừa nhận thực tế thực tế tại thời điểm đó. Sau hơn 2 năm, những thực tế này đã thay đổi đáng kể, kể cả về mặt pháp lý", ông cho biết.

Nga nhiều lần tuyên bố luôn để ngỏ đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine nhưng phải dựa trên tình hình thực địa, trong đó có việc Kiev phải công nhận 4 tỉnh gồm Lugansk, Donetsk, Zaporizhia và Kherson đã sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, đến nay, Kiev cương quyết không nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

"Xung đột Ukraine có thể kết thúc trong vòng 15 ngày"

Trong một diễn biến liên quan, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nhận định, Ukraine có thể thua Nga và xung đột sẽ chấm dứt sâu 15 ngày nếu phương Tây ngừng cấp vũ khí cho Kiev,

"Nếu chúng ta ngừng hỗ trợ Ukraine, xung đột sẽ kết thúc sau 15 ngày và Nga sẽ đạt được mục tiêu. Nhưng chúng ta có muốn điều này cho người Ukraine và cho an ninh của chính chúng ta, với tư cách là người châu Âu không?", ông Josep Borrell ngày 7/10 bình luận.

Ông nhấn mạnh điều quan trọng là xung đột kết thúc như thế nào, chứ không phải khi nào.

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU, một người ủng hộ Kiev, nói thêm: "Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng khi thời điểm đến, các cuộc đàm phán có thể được tổ chức với những điều kiện có lợi cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Trước đó, ông tuyên bố EU sẽ "hỗ trợ Ukraine bằng mọi cách miễn là cần thiết".

Ông Borrell sẽ hết nhiệm sở vào cuối mùa thu này và cựu Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, người đề xuất các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Moscow, sẽ kế nhiệm.

Cảnh báo của ông Borrell đưa ra giữa lúc Nga đang chiếm ưu thế trên chiến trường Ukraine với bước tiến đáng chú ý gần đây nhất là việc kiểm soát thành trì Vuhledar ở miền Đông Ukraine.

Giới chức Ukraine nhiều lần đổ lỗi rằng việc các đồng minh, đối tác phương Tây chậm trễ và do dự viện trợ vũ khí khiến Kiev chịu tổn thất lớn trong cuộc xung đột với Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang ra sức vận động phương Tây tăng tốc và tăng quy mô viện trợ quân sự trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng tới. Kiev lo ngại một sự thay đổi về chính quyền ở Mỹ có thể ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ của Washington dành cho Ukraine.

Theo Newsweek, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine