1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga cảnh báo đáp trả hạt nhân vụ Ukraine bắn tên lửa tầm xa vào lãnh thổ

Minh Phương

(Dân trí) - Moscow cho rằng, việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ viện trợ để tấn công Nga là bằng chứng cho thấy phương Tây tìm cách leo thang xung đột.

Nga cảnh báo đáp trả hạt nhân vụ Ukraine bắn tên lửa tầm xa vào lãnh thổ - 1

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: Reuters).

Phát biểu với các nhà báo hôm 19/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thừa nhận ông chưa thể xác nhận thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công sâu vào Nga. Tuy nhiên, theo ông, các cuộc tấn công của Ukraine bằng ATACMS vào vùng biên giới Bryansk hôm 19/11 là "dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ muốn leo thang".

Ông lưu ý, Ukraine không thể sử dụng các bệ phóng ATACMS có công nghệ phức tạp nếu không có sự trợ giúp của Mỹ. Ông cũng nhắc lại cảnh báo trước đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Moscow sẽ buộc phải thay đổi lập trường nếu Ukraine được phép sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để chống lại Nga.

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, Moscow coi việc Ukraine phóng tên lửa tầm xa vào Nga là một giai đoạn mới của cuộc chiến mà phương Tây là một bên tham chiến.

Ông cũng tuyên bố, tuy Nga vẫn cam kết ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, nhưng phương Tây nên xem xét kỹ lưỡng học thuyết hạt nhân sửa đổi của Moscow có hiệu lực từ ngày 19/11.

"Tôi hy vọng rằng phương Tây sẽ đọc kỹ thuyết này. Và không phải cách họ đọc Hiến chương Liên hợp quốc, chỉ nhìn thấy những gì họ cần, mà là học thuyết toàn diện và có tính liên kết với nhau", ông Lavrov nói.

Theo học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga, Moscow sẽ có quyền lựa chọn triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt nếu bị tấn công từ một quốc gia phi hạt nhân được hỗ trợ bởi một quốc gia hạt nhân.

Học thuyết này cũng có thể được kích hoạt nếu Nga hoặc các đồng minh, cụ thể là Belarus, bị tấn công bằng vũ khí thông thường theo cách đe dọa chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của Nga.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, học thuyết hạt nhân sửa đổi của Moscow cho phép Nga đáp trả NATO trong trường hợp xảy ra những cuộc tấn công như Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã "bật đèn xanh" cho Ukraine.

"Nga có quyền trả đũa bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm vào Kiev và các cơ sở quan trọng của NATO, bất kể chúng ở đâu. Điều này sẽ dẫn đến Thế chiến thứ ba", ông Medvedev nói.

Giới chức Mỹ đến nay vẫn im lặng về thông tin Tổng thống Biden đã cấp phép cho Ukraine dùng vũ khí tầm xa do Washington viện trợ để tấn công sâu vào Nga.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hôm 19/11,  Ukraine đã tấn công khu vực biên giới Bryansk của Nga bằng 6 tên lửa ATACMS. Trong đó, 5 tên lửa bị hệ thống phòng thủ tên lửa Pantsir và S-400 của Nga bắn hạ và một tên lửa bị phá hủy. Mảnh vỡ tên lửa rơi xuống khuôn viên một cơ sở quân sự ở vùng Bryansk, gây ra hỏa hoạn và được dập tắt kịp thời, không ai bị thương và không có thiệt hại nào.

ATACMS là tên lửa chiến thuật do Mỹ sản xuất. Tên lửa này có tầm bắn 300km, có khả năng mang đầu đạn 170kg.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm