1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga đủ sức "vô hiệu hóa" tên lửa uy lực Mỹ cấp cho Ukraine?

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga được cho là có các hệ thống phòng không tiên tiến, có khả năng đánh chặn các tên lửa tầm xa do phương Tây cấp cho Ukraine.

Nga đủ sức vô hiệu hóa tên lửa uy lực Mỹ cấp cho Ukraine? - 1

Hệ thống phòng không Buk-M3 của Nga hoạt động tại vùng Kharkov ở Ukraine (Ảnh: Sputnik).

Tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất từng được lực lượng Ukraine triển khai chống lại quân đội Nga và có nhiều suy đoán rằng vũ khí này có thể sớm được sử dụng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Khi Mỹ được cho là đã "bật đèn xanh" cho Ukraine sử dụng ATACMS để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa, 2 câu hỏi được đặt ra là: Kiev có đủ khả năng để thực hiện các cuộc tấn công như vậy không và Nga có thể đối phó với các cuộc tấn công đó như thế nào?

Nga có các hệ thống phòng không tiên tiến

Alexei Leonkov, nhà phân tích quân sự kỳ cựu của Nga và là biên tập viên của tạp chí Arsenal of the Fatherland, cho biết nhiều hệ thống phòng không của Nga như Buk-M2, Buk-M3 và Tor-M2 từng đánh chặn thành công ATACMS.

"Các hệ thống phòng không của Nga có tỷ lệ đánh chặn rất cao. Trong khi hệ thống của Nga sử dụng một tên lửa cho mỗi mục tiêu, hệ thống Patriot của Mỹ sử dụng 2 tên lửa để thực hiện cùng một nhiệm vụ", chuyên gia Leonkov cho biết.

Quân đội Nga có các hệ thống phòng không nhiều lớp và uy lực. Moscow cũng từng nhiều lần tuyên bố đánh chặn được ATACMS, nên Ukraine có thể sẽ phải cân nhắc các chiến thuật cụ thể nếu muốn tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa.

Phương Tây không có đủ tên lửa tầm xa

Chuyên gia Leonkov cho biết mặc dù Mỹ và các đồng minh đã cung cấp số lượng lớn vũ khí cho Ukraine, nhưng số lượng tên lửa tầm xa như ATACMS, Storm Shadow và Scalp được cung cấp cho Kiev còn lại rất ít.

"Ngay cả các máy bay chiến đấu F-16 có thể được sử dụng để phóng tên lửa Storm Shadow cũng không đảo ngược được xu hướng này. Số lượng các vụ phóng đã giảm dần và thực tế đã xuống mức 0 cho đến nay", ông nhận xét.

Chuyên gia Leonkov ước tính, trước khi xung đột Ukraine leo thang vào tháng 2/2022, phương Tây sở hữu hơn 3.000 tên lửa ATACMS (bao gồm tất cả phiên bản có sẵn). Do nhiều tên lửa ATACMS đã được sử dụng trong xung đột Ukraine hoặc không còn khả năng sử dụng, số tên lửa đã giảm xuống còn khoảng từ 1.500 đến 2.000 tên lửa.

Mỹ bắt đầu cung cấp tên lửa đạn đạo ATACMS cho Ukraine hồi năm 2023. Theo hãng tin Kyiv Post, Ukraine có thể đã nhận được ít hơn 50 tên lửa ATACMS, tuy nhiên không rõ Kiev đã dùng bao nhiêu quả và còn lại bao nhiêu quả.

Mỹ và Ukraine chưa bao giờ xác nhận số lượng tên lửa chính xác được viện trợ. Cho đến nay, truyền thông đưa tin về 2 lần Mỹ chuyển giao ATACMS, trong đó một lần hồi cuối năm 2023 với các phiên bản tầm ngắn hơn (160km) và một lần được giao bí mật vào tháng 3 năm nay với các phiên bản tầm xa (300km).

Phương Tây không có đủ bệ phóng tên lửa

Chuyên gia Leonkov cho biết, ngoài việc thiếu tên lửa, Ukraine còn thiếu cả bệ phóng tên lửa.

Ông giải thích rằng vấn đề bắt nguồn từ thực tế là phương Tây chỉ cung cấp một số lượng rất hạn chế hệ thống vũ khí có khả năng phóng ATACMS, chẳng hạn HIMARS, MLRS và MARS.

Trong khi đó, lực lượng Nga đã hoạt động rất hiệu quả trong việc theo dõi các vũ khí này bằng cách sử dụng radar phản pháo và phá hủy chúng bằng hệ thống tên lửa chiến thuật.

Theo Sputnik, Kyiv Post