1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

NATO lên tiếng về việc cho phép Ukraine tấn công sâu vào Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Lãnh đạo NATO cho rằng, quyết định có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công sâu vào Nga hay không phụ thuộc vào từng quốc gia thành viên.

NATO lên tiếng về việc cho phép Ukraine tấn công sâu vào Nga - 1

Tổng thư ký NATO Mark Rutte (Ảnh: Reuters).

"Mỗi đồng minh có quyền quyết định họ làm gì. Tôi sẽ không bàn luận liệu mỗi đồng minh nên hay không nên làm gì", Tổng thư ký NATO Mark Rutte trả lời phóng viên, nêu quan điểm về việc liên minh này có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công vào Nga hay không.

Ông cho biết thêm: "Tôi thường nói rằng, chúng ta đừng thảo luận quá nhiều và đừng khiến đối phương nắm bắt hơn mức cần thiết. Hôm nay chúng ta sẽ nói về cách giúp Ukraine giành chiến thắng. Điều đó có nghĩa là cần viện trợ nhiều hơn".

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang đứng trước một bước ngoặt mới khi New York Times đầu tuần này dẫn nguồn thạo tin cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dỡ bỏ hạn chế, cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa do Washington viện trợ để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.

Nguồn tin cũng nói rằng Ukraine có thể bắt đầu sử dụng tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ viện trợ.

Giới chức Mỹ và Ukraine chưa xác nhận thông tin này, song Bộ Quốc phòng Nga hôm nay cho biết Kiev đã sử dụng ATACMS để tấn công vào tỉnh Bryansk ở biên giới Nga.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã phóng tổng cộng 6 tên lửa ATACMS, trong đó 5 tên lửa bị đánh chặn, một tên lửa bị phá hủy.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga kể từ khi xung đột giữa hai nước nổ ra hồi tháng 2/2022.

Một số nhà phân tích cho rằng, động thái "xé rào" của Washington sẽ mở đường cho các đồng minh phương Tây khác cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Kiev kỳ vọng vũ khí tầm xa có thể giúp họ giành ưu thế trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quyết định muộn màng của Mỹ sẽ khó giúp Ukraine xoay chuyển cục diện chiến sự.

Thứ nhất là bởi số lượng tên lửa ATACMS mà Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine rất hạn chế, không đủ để tạo bước ngoặt. Thứ hai là Nga đã chuyển dần các kho đạn dược, tài sản quân sự quan trọng vào sâu trong lãnh thổ, nằm ngoài tầm với của ATACMS.

Moscow cũng cảnh báo, nếu Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa của phương Tây, điều đó đồng nghĩa với phương Tây đã tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.

"Đây là một bước đi rất nghiêm trọng hướng đến nguy cơ khởi đầu Thế chiến III", ông Vladimir Dzhabarov, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Thượng viện Nga, nhấn mạnh và cho biết Moscow sẽ phản ứng ngay lập tức.

Ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nga nói rằng việc Mỹ cho phép Kiev tấn công Nga bằng tên lửa chiến thuật ATACMS sẽ dẫn đến phản ứng cứng rắn nhất của Moscow.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay đã phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi.

Theo học thuyết mới, Nga có thể sử dụng biện pháp răn đe hạt nhân để ngăn chặn các hành động gây hấn từ các cường quốc thù địch và các liên minh quân sự sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc kho vũ khí lớn.  Điều này cũng áp dụng đối với các quốc gia cho phép nước khác sử dụng lãnh thổ của mình để chuẩn bị và phát động tấn công Nga.

Một cuộc tấn công từ một thành viên trong liên minh, dù nước đó không sở hữu vũ khí hạt nhân, sẽ bị coi là hành động tấn công của cả khối. Trường hợp áp dụng tương tự đối với tình huống một quốc gia không chính thức thuộc một tổ chức quân sự nhưng nhận được sự hậu thuẫn từ quốc gia hạt nhân.

Theo TASS