Nga cảnh báo đanh thép nếu phương Tây đưa quân tới Ukraine
(Dân trí) - Nga phát đi cảnh báo nếu phương Tây đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine.
Bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình phương Tây nào được triển khai tới Ukraine mà không có sự phê duyệt từ Moscow sẽ trở thành mục tiêu quân sự hợp pháp, Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Nga Rodion Miroshnik tuyên bố.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban Quân sự EU Robert Brieger với Die Welt cuối tuần qua rằng một lệnh ngừng bắn trong xung đột Ukraine có thể được thực thi bởi lực lượng gìn giữ hòa bình của EU và quốc tế theo ủy nhiệm của Liên hợp quốc.
"Bất kỳ lực lượng nào tiến vào lãnh thổ Ukraine mà không có sự đồng ý và cho phép của Nga đều là mục tiêu quân sự với những hậu quả hoàn toàn dễ hiểu", ông Miroshnik viết trên Telegram vào hôm 26/1.
Ông Miroshnik cáo buộc rằng các nỗ lực dựng lên lực lượng gìn giữ hòa bình thực chất không nhằm thiết lập hòa bình mà chỉ là cách để bảo vệ Ukraine không thua trong cuộc chiến.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhấn mạnh rằng nước này cần ít nhất 200.000 binh sĩ châu Âu được triển khai để thực thi lệnh ngừng bắn tiềm tàng giữa Kiev và Moscow.
Các nhà lãnh đạo phương Tây đã nhiều lần đề cập đến khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine, nhưng ý tưởng này đã bị Moscow bác bỏ. Ngoại trưởng Sergey Lavrov tuyên bố Nga "không hài lòng" với các đề xuất trì hoãn việc Ukraine gia nhập NATO hoặc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình từ "Anh và châu Âu".
Ông Lavrov nhấn mạnh rằng Moscow sẵn sàng tiếp tục đàm phán hòa bình với Kiev, nhưng sẽ không chấp nhận việc tạm thời đóng băng xung đột, điều mà Nga cho rằng chỉ tạo cơ hội để Ukraine tái trang bị.
Trong khi đó, Ukraine cũng phản đối xung đột bị đóng băng, vì cho rằng điều này sẽ cho Nga thời gian để khôi phục lại lực lượng. Ukraine cũng yêu cầu một nền hòa bình công bằng và giành lại toàn bộ lãnh thổ.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết quân đội nước này là lực lượng phù hợp nhất để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tiềm năng ở Ukraine.
Ông cho biết các quốc gia khác có thể lợi dụng nhiệm vụ này cho lợi ích riêng của mình.
"Nếu hoạt động gìn giữ hòa bình vì sự tin cậy và công bằng, họ không có ai khác ngoài quân đội Belarus. Điều đó không có nghĩa là tôi sẽ triển khai toàn bộ quân đội để làm lực lượng gìn giữ hòa bình.
Nhưng không còn lựa chọn nào khác. Tất cả các bên khác sẽ nghiêng về phương Tây hoặc phương Đông. Vì vậy, họ chỉ có thể đồng ý với lực lượng gìn giữ hòa bình Belarus", ông Lukashenko, người vừa tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 7, nói.
Ông Lukashenko khẳng định rằng chỉ có người Belarus mới có thể "đảm bảo mối quan hệ bình thường" giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng ông không có kế hoạch ngay lập tức triển khai quân đội cho một sứ mệnh gìn giữ hòa bình.
Ông Lukashenko thừa nhận sẽ có "những tranh luận mạnh mẽ" về thành phần của lực lượng này và Ukraine cùng các nước phương Tây khó có khả năng đồng ý với sự tham gia của Belarus.
Theo truyền thông phương Tây, Pháp và Anh đang cân nhắc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình nếu đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Bộ trưởng Ngoại giao Litva Kestutis Budrys cho biết hồi đầu tháng rằng ông "không nghi ngờ" quốc gia của mình sẽ điều binh sĩ tham gia.
Vào tháng 12/2024, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết một sứ mệnh gìn giữ hòa bình có thể được thảo luận nếu các cuộc đàm phán được nối lại.