1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga cảnh báo châu Âu sau khi Đức "đóng băng" Dòng chảy Phương Bắc 2

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga cảnh báo châu Âu sẽ phải trả gấp đôi cho mỗi nghìn mét khối khí đốt tự nhiên, sau khi Đức tạm đình chỉ việc cấp phép dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 hợp tác với Moscow vì diễn biến ở Donbass.

Nga cảnh báo châu Âu sau khi Đức đóng băng Dòng chảy Phương Bắc 2 - 1

Phó Chủ tịch hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: Reuters).

RT dẫn lời cảnh báo ngày 22/2 của Phó Chủ tịch hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, người dân châu Âu sẽ sớm phải trả 2.200 USD cho mỗi nghìn mét khối khí đốt tự nhiên, con số đắt gần như gấp đôi hiện tại. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Đức yêu cầu tạm đình chỉ việc cấp phép cho dự án khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2.

"Thủ tướng Đức Olaf Scholz yêu cầu dừng việc cấp phép cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Chào mừng tới với một thế giới mới, nơi người dân châu Âu sẽ sớm phải trả 2.000 Euro (2.200 USD) cho mỗi 1.000 m3 khí đốt", ông Medvedev - người từng giữ chức tổng thống Nga, cảnh báo. 

Trước đó, vào ngày 22/2, Thủ tướng Scholz thông báo động thái của Đức với dự án đường ống khí đốt trị giá 11 tỷ USD. Đức lý giải họ đưa ra quyết định trên sau khi Nga ngày 21/2 công nhận độc lập 2 vùng ly khai Donetsk và Lugansk.

Thủ tướng Scholz đã yêu cầu Bộ Kinh tế Đức đảm bảo quá trình cấp phép cho đường ống khí đốt sẽ không diễn ra vào thời điểm hiện tại, đồng nghĩa với việc nó sẽ chưa thể đi vào hoạt động dù đã xây dựng xong.

Nga cảnh báo châu Âu sau khi Đức đóng băng Dòng chảy Phương Bắc 2 - 2

Sơ đồ đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 (màu xanh) và 2 (màu tím) (Ảnh: Gazprom).

Dòng chảy Phương Bắc 2 có khả năng chuyển 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hàng năm từ Nga đến Đức. Đường ống có thể là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại của Châu Âu và giúp nạp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt của lục địa này, nơi chỉ còn lại ít hơn 5% trữ lượng khí đốt vào tuần trước.

Tuy nhiên, dù đã xây dựng xong từ tháng 8/2021, dự án vẫn bị đình trệ vì các quan điểm trái chiều trong Liên minh châu Âu (EU), cũng như sự phản đối từ Mỹ. Các bên không ủng hộ dự án cảnh báo nó sẽ có thể khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc Nga về mặt năng lượng. Trong khi đó, Đức nhiều lần khẳng định rằng đây chỉ là dự án thương mại thuần túy.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine