1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga biến xe tăng thành "pháo đài di động" trên tiền tuyến

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hình ảnh từ chiến trường cho thấy Nga tiếp tục cải tiến và nâng cấp xe tăng "mai rùa", biến vũ khí thành một pháo đài thép ngăn cản UAV Ukraine.

Nga biến xe tăng thành pháo đài di động trên tiền tuyến - 1

Nga biến xe tăng T-72 thành một "pháo đài di động" trên tiền tuyến (Ảnh: Forbes).

Vào đầu tháng 4, binh sĩ Ukraine đã phát hiện ra ở bên ngoài Krasnohorivka, phía tây Donetsk có một chiếc xe tăng T-72 của Nga với mái kim loại phủ trên thân và tháp pháo, trông giống như một chiếc "mai rùa".

Kể từ đó, Nga bổ sung thêm các tính năng lên chiếc "mai rùa" đặc biệt này, ví dụ như hệ thống gây nhiễu UAV tự sát.

Giờ đây, Nga lại tiếp tục gắn thêm lên lớp giáp kim loại trơn một lớp bảo vệ khác, trông như một lưới sắt. Tấm lưới này có nhiệm vụ bảo vệ lớp giáp trơn phía dưới tốt hơn, ngăn UAV lao thẳng xuống gây ra tác động trực tiếp tới lớp phòng thủ. 

Dù chiếc xe tăng "mai rùa" ngày càng lớn và trông kỳ lạ hơn, nhưng theo Forbes, chúng lại rất hiệu quả trên chiến trường.

Ngoài lớp giáp bảo vệ trước UAV, chúng còn được gắn con lăn dò mìn phía trước. Chiếc xe tăng "mai rùa" thường dẫn đầu đoàn xe thiết giáp, có tác dụng như một thiết bị dò mìn, mở đường để Nga có thể đột phá vào phòng tuyến của Ukraine.

Theo một kênh Telegram của Ukraine, ban đầu, chiếc xe tăng "mai rùa" của Nga trở thành chủ đề bị chế giễu vì hình dáng kỳ lạ và có phần chắp vá, thủ công, nhưng màn trình diễn của nó trên chiến trường lại khá thuyết phục.

"Ukraine đã tốn rất nhiều UAV để lao vào chiếc xe tăng", nguồn tin cho biết.

Tuy nhiên, theo Forbes, xe tăng "mai rùa" dù được xem là cải tiến của Nga để thích nghi với chiến trường dày đặc UAV, nhưng nó vẫn dễ bị tổn thương, đặc biệt trước pháo và tên lửa chống tăng.

Việc các xe tăng này vẫn tác chiến hiệu quả trong thời gian qua là do Ukraine cạn kiệt đạn pháo và tên lửa để ngăn chặn. Trong thời gian tới, khi vũ khí viện trợ từ Mỹ được chuyển ra chiến trường, Ukraine có thể sẽ có thêm lựa chọn để tấn công những "pháo đài di động" này của Nga.

Nhà sử học vũ khí Matthew Moss giải thích: "Bộ giáp dày gấp đôi của xe tăng mai rùa có thể bảo vệ chúng khỏi máy bay không người lái FPV nặng gần 1kg, mỗi chiếc chứa 0,5kg chất nổ. Nhưng lớp giáp này có rất ít khả năng bảo vệ trước hỏa lực mạnh hơn".

Theo ông, lớp giáp "mai rùa" khó có thể chịu đựng được trước tên lửa chống tăng Javelin với đầu đạn chứa 10kg thuốc nổ và khả năng xuyên giáp.

Ngoài ra, theo Forbes, xe tăng "mai rùa" cũng có nhược điểm là di chuyển khá chậm do nặng nề và tầm nhìn của kíp lái bị ảnh hưởng bởi các lớp giáp bọc bên ngoài.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, đây vẫn được xem là vũ khí hiệu quả để Nga đạt được đà tiến liên tiếp trên chiến trường miền Đông. Mặt khác, dù Ukraine có thêm pháo và tên lửa chống tăng, nhưng Kiev vẫn sẽ sử dụng dàn UAV giá rẻ vì chúng vẫn hiệu quả về mặt kinh tế.

Máy bay không người lái được xem là "sát thủ diệt tăng" mới nổi trên chiến trường Ukraine thời gian qua. Vì vậy, Nga cũng có thể biến xe tăng "mai rùa" thành thiết bị gây nhiễu lưu động để bảo vệ cả đoàn xe trên tiền tuyến. 

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm