Xe tăng "mai rùa" giúp Nga chọc thủng phòng tuyến Ukraine
(Dân trí) - Những chiếc xe tăng "mai rùa" có hình thức khá chắp vá, trông giống như giải pháp tình thế của Nga đối phó với UAV Ukraine nhưng đã thể hiện hiệu quả trong tác chiến.
Ít nhất 3 lần tuần trước, các binh sĩ vận hành UAV của Ukraine ở Krasnohorivka, phía tây Donetsk, đã phát hiện những chiếc xe tăng có ngoại hình rất kỳ lạ của Nga, với lớp giáp phủ kín như những chiếc "mai rùa".
Những chiếc xe tăng T-72 này có lớp giáp kim loại bao phủ gần như toàn bộ tháp pháo và thân xe. Với đầu súng chính 125mm nhô ra từ bên dưới lớp giáp, những chiếc xe tăng bọc thép trông giống như những con rùa bằng kim loại.
Trong cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm qua, cả Nga và Ukraine đều tìm cách gia cố xe tăng, thiết giáp với các lớp bảo vệ để ngăn tên lửa và UAV gắn thuốc nổ. Tuy nhiên, đó thường chỉ là các giáp như chiếc lồng không cản trở tầm nhìn của tổ lái và chỉ hạn chế phần nào khả năng quay của tháp pháo.
Lớp giáp "mai rùa" hoàn toàn khác biệt so với giáp lồng trước đó khi chỉ để lại một khoảng trống nhỏ ở phía trước cho kíp lái quan sát. Pháo ở phía trên chỉ có thể quay được vài độ vì vướng lớp giáp bao phủ. Theo Forbes, câu hỏi đặt ra là, Nga tính toán gì khi làm như vậy?
Matthew Moss, một nhà sử học vũ khí, nhận định rằng vai trò của xe tăng mai rùa chính là nhằm mở đường. Nhiệm vụ của nó là dẫn dắt các phương tiện khác qua bãi mìn, đưa chúng tới đủ gần phòng tuyến để tấn công.
Giả định ở đây là Ukraine sẽ khai hỏa vào chiếc xe đi đầu khi nó lao qua bãi mìn, vì vậy chiếc xe dẫn đầu phải có con lăn rà mìn và được bọc thép chắc chắn.
Mỹ đã viện trợ cho Ukraine một số phương tiện mở đường. Về bản chất đó là những chiếc xe tăng M-1 nặng 70 tấn không có súng và có gắn thiết bị rà phá bom mìn.
Nga không có phương tiện cùng loại như Mỹ trong kho vũ khí. Nga chỉ có những chiếc xe phá mìn nặng khoảng 50 tấn, được bảo vệ không kiên cố bằng.
Để đối phó với bãi mìn và đàn UAV dày đặc của Ukraine, Nga dường như đã quyết định biến những T-72 thành thiết giáp mở đường.
Nga có thể đã sử dụng những chiếc xe tăng T-72 có tháp pháo di chuyển không mấy trơn tru và bổ sung thêm lớp giáp và con lăn rà phá mìn.
Chuyên gia quân sự Mỹ Rob Lee nhận định, hình ảnh trên chiến trường cho thấy, những chiếc xe tăng "mai rùa" được trang bị cả thiết bị tác chiến điện tử ngăn UAV, tiến lên phía trước, vượt qua bãi mìn của Ukraine, mở đường cho đoàn xe phía sau.
Mở đường là nhiệm vụ rất khó khăn, đặc biệt là qua bãi mìn dày đặc với UAV bay ở phía trên. Ukraine từng mất rất nhiều xe tăng phương Tây và thiết giáp khi cố xuyên phá phòng tuyến Nga trong cuộc phản công năm ngoái.
Sự thành công của xe tăng "mai rùa" có thể mở ra một hướng đi mới, chiến thuật mới trong nỗ lực xuyên phá phòng tuyến.
Tuy nhiên, chiếc xe này tỏ ra hiệu quả với bãi mìn và UAV kích thước nhỏ của Ukraine. Nếu Kiev được bổ sung thêm đạn pháo trong gói viện trợ tiếp theo của phương Tây, khả năng sinh tồn của xe tăng "mai rùa" vẫn sẽ còn là một ẩn số.