Mỹ nêu lý do Ukraine buộc phải rút siêu tăng Abrams khỏi tiền tuyến
(Dân trí) - Quan chức Mỹ thừa nhận Ukraine đã rút hết các xe tăng M1 Abrams khỏi tiền tuyến vì mối đe dọa từ UAV Nga.
Lực lượng Ukraine đã rút xe tăng chiến đấu Abrams M1A1 do Mỹ cung cấp khỏi tiền tuyến do nguy cơ cao bị máy bay không người lái của Nga phát hiện, hai quan chức quân sự của Washington cho biết hôm 25/4.
Mỹ tuyên bố vào tháng 1/2023 rằng họ sẽ gửi cho Ukraine 31 xe tăng M1 Abrams. Các quan chức xác nhận vào tháng 10 cùng năm rằng tất cả 31 xe đã được giao.
Theo các quan chức Mỹ, máy bay không người lái giám sát và máy bay không người lái tấn công của Nga đã thay đổi đáng kể tình hình trên mặt đất, làm tăng nguy cơ bị phát hiện của các siêu tăng trên.
Tính tới nay, có 5 trong số 31 xe tăng Abrams đã bị phá hủy trên chiến trường. Nga tuyên bố đã vô hiệu chiếc Abrams
Hiện tại, xe tăng Abrams đã được rút khỏi tiền tuyến. Mỹ và Ukraine sẽ hợp tác cùng nhau để thay đổi chiến thuật, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Christopher Grady cho biết.
Theo một quan chức Mỹ khác, UAV Nga bay rợp trời ở chiến trường Ukraine đồng nghĩa với việc rất khó để xe tăng di chuyển mà không bị phát hiện.
Ông Grady nói: "Thiết giáp tác chiến trong môi trường tràn ngập UAV gặp rất nhiều rủi ro. Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác Ukraine và các đối tác khác trên thực địa để giúp họ suy nghĩ về cách thích ứng, trong môi trường đã thay đổi hiện nay, nơi mọi thứ đều có thể được nhìn thấy (dưới mặt đất)".
Ngoài ra, các quan chức Mỹ cũng cho rằng mối đe dọa từ máy bay không người lái không phải là vấn đề duy nhất mà Kiev gặp phải và Ukraine cần áp dụng các chiến thuật mới để giúp xe tăng Abrams hoạt động hiệu quả hơn trên chiến trường.
Mỹ đã tổ chức cho Ukraine khóa huấn luyện về vận hành xe tăng tại căn cứ Quân đội Grafenwoehr ở Đức vào mùa xuân năm 2023. Khóa này bao gồm huấn luyện cách sử dụng xe Abrams trong cuộc chiến vũ trang tổng hợp.
Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ, kể từ mùa xuân năm ngoái, lực lượng Ukraine chỉ sử dụng hạn chế xe tăng Abrams và không tận dụng được các tính năng của xe.
Theo Washington Post, quân nhân Nga và Ukraine giờ đây rất khó di chuyển trên tiền tuyến mà không bị phát hiện và tấn công. Lý do chính dẫn tới tình trạng này chính là cả 2 bên triển khai UAV dày đặc để theo dõi đường đi nước bước của phía còn lại và sẵn sàng tấn công.
Oleksandr Nastenko, chỉ huy đơn vị máy bay không người lái ở Quân đoàn 92 của Ukraine, cho biết sự gia tăng số lượng UAV cỡ nhỏ đã biến khu vực nằm xung quanh giới tuyến từ "vùng xám" thành "vùng chết chóc".
Abrams được đánh giá là một trong những loại xe tăng tốt nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, phiên bản viện trợ cho Ukraine không được trang bị những loại giáp hiện đại như bản của quân đội Mỹ, khiến chúng có nguy cơ tổn thương cao hơn.
Gustav Gressel, một chuyên gia quân sự tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) có trụ sở tại Đức, cho rằng, khi các UAV ngày càng trở nên tiên tiến, lớp giáp bảo vệ truyền thống của Abrams có thể không đủ để chống chọi các cuộc tấn công chính xác, khiến nguy cơ các siêu tăng bị phá hủy tăng cao.