Nga biến UAV thành "tàu sân bay trên không"
(Dân trí) - Một công ty Nga đã phát triển một UAV cỡ lớn làm nhiệm vụ điều phối, thả UAV cỡ nhỏ ra chiến đấu, cơ chế như một "tàu sân bay" trên không.
Công ty Berkut có trụ sở tại Cộng hòa Buryatia thuộc Nga tuyên bố đã chế tạo ra một UAV mới mang tên Burya-20. Đây là UAV cỡ lớn có khả năng phóng ra các UAV góc nhìn thứ nhất (UAV FPV) cỡ nhỏ hơn, cơ chế giống như "tàu sân bay trên không".
UAV này đã được thử nghiệm và hiện đã bắt đầu được sản xuất quy mô nhỏ để kiểm tra thêm. Quá trình phát triển được tài trợ bởi chính quyền Buryatia.
Berkut không nêu cụ thể UAV đóng vai trò "tàu mẹ" sẽ chứa và phóng được tối đa bao nhiêu UAV cỡ nhỏ. Ngoài ra, Nga trang bị cho UAV "tàu mẹ" công nghệ "thị giác máy", giúp UAV có khả năng kiểm tra, xem xét và phân tích tự động dựa trên hình ảnh, từ đó đưa ra quyết định có liên quan.
UAV "tàu mẹ" sẽ dùng công nghệ này để phát hiện mục tiêu, truyền về cho người điều hành, bên sẽ ra quyết định tấn công. Sau đó, các UAV FPV sẽ nhận tín hiệu và chỉ đạo để rời khỏi UAV "tàu mẹ" nhằm làm nhiệm vụ tấn công.
UAV FPV có thể hoạt động như một loại đạn pháo nếu được thả từ độ cao đáng kể. Nó có thể di chuyển ra xa UAV "tàu mẹ" ở khoảng cách 15km.
Phạm vi liên lạc của Burya-20 có thể đạt tới 70km từ trung tâm điều khiển mặt đất. Trọng lượng cất cánh là 50kg, tải trọng là 15kg, độ cao bay là 3000m, trong khi camera chính có thể hoạt động hiệu quả từ 2000m.
Từ cuối năm 2022, Nga tuyên bố đã phát triển một công nghệ có thể thu các phương tiện bay không người lái (UAV) vào khoang chứa trên máy bay, đồng thời thả chúng ra để làm nhiệm vụ tấn công.
Sự xuất hiện của những công nghệ mới này đến trong bối cảnh UAV đang trở thành một phần không thể thiếu của hoạt động tác chiến trong tương lai. Các cuộc xung đột gần đây cho thấy vai trò quan trọng, thậm chí thay đổi cuộc chơi của các UAV.
Năng lực thực hiện các vụ tấn công theo cơ chế bầy đàn ồ ạt vào mục tiêu đối thủ có thể tạo ra lợi thế không nhỏ cho một nền quân đội. Cơ chế "tàu sân bay trên không" có thể thực hiện việc này.
Các UAV nhỏ có thể làm đánh chặn thông tin liên lạc, gây nhiễu tín hiệu và tìm kiếm phá hủy. Chúng có thể được trang bị tên lửa nhỏ hoặc thuốc nổ để thực hiện một vụ tấn công cảm tử nếu cần thiết. Chúng có thể chia sẻ dữ liệu lẫn nhau và truyền thông tin về các chiến hạm hoặc máy bay đối thủ, rồi có thể cùng lao ồ ạt vào mục tiêu khi cần áp chế hệ thống phòng không đối phương.
Có thể nói, với UAV, các nền không quân sẽ có rất nhiều phương án tác chiến khác nhau với giá thành không quá đắt như tên lửa và không gây rủi ro về nhân lực so với các máy bay có người lái thông thường.
Với cơ chế "tàu sân bay trên không", các UAV đóng vai trò "tàu mẹ" sẽ có thể ở bên ngoài tầm tấn công của đối thủ, giúp người điều khiển điều phối hoạt động của các UAV nhỏ tùy thuộc vào tình hình trên thực tế.