1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga biến Lancet thành "sát thủ xuyên giáp"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Phiên bản cải tiến của UAV tự sát Lancet đã được Nga trang bị thêm tính năng giúp nó có thể xuyên phá lớp giáp bảo vệ xe tăng, xe bọc thép của Ukraine.

Nga biến Lancet thành sát thủ xuyên giáp - 1

UAV Lancet được bổ sung thêm các bộ phận giúp nó trở nên nguy hiểm hơn trên tiền tuyến (Ảnh: Eurasian Times).

Các đơn vị quân đội Nga đã bắt đầu nhận được phiên bản nâng cấp của UAV Lancet, với camera phụ và đầu đạn kép có thể xuyên qua các lồng bảo vệ và giáp phản ứng nổ (ERA) trên xe tăng đối phương

Ngoài ra, Lancet cũng được trang bị khả năng bay và nhận dạng mục tiêu tự động. Phía Ukraine đã nhận thấy những sự thay đổi trong UAV của Nga và đang tìm cách để đối phó.

Theo Eurasian Times, Nga không tập trung hết các cải tiến vào một phiên bản, mà chia ra nhiều biến thể khác nhau. Mỗi biến thể Lancet sẽ được chỉnh sửa dựa vào điều kiện chiến đấu ở từng khu vực.

Tuy nhiên, điểm nổi bật của các phiên bản mới là nó có thể vượt qua được các lưới chống UAV, xuyên qua giáp lồng và giáp ERA. Điều này cải thiện đáng kể khả năng công phá của Lancet trên chiến trường so với bản cũ.

Nga trang bị cho Lancet bản mới đầu đạn kép, trong đó liều phụ tạo ra vụ nổ sơ cấp hình thành luồng xuyên kích nổ module giáp phản ứng, "dọn đường" cho luồng xuyên của lượng nổ lõm chính để dễ dàng xuyên thủng vỏ giáp chính của xe tăng, thiết giáp đối phương.

Trong phiên bản mới, Nga gắn thêm 2 camera cỡ nhỏ lên Lancet. Giới quan sát nhận định, đây dường như bộ phận phục vụ cho LIDAR - công nghệ viễn thám có thể đo khoảng cách tới mục tiêu dựa vào laser hoặc tia hồng ngoại.

LIDAR trên Lancet có thể giúp UAV xác định lồng bảo vệ hoặc giáp trên xe tăng, thiết giáp để tung ra đầu đạn tương ứng nhằm xuyên phá. Điều này giúp Lancet khắc phục một trong những thách thức lớn nhất từng ngăn cản UAV này hoạt động hiệu quả.

Chuyên trang quân sự Militarnyi thừa nhận, cách duy nhất có hiệu quả trong việc đánh chặn Lancet phiên bản mới là sử dụng hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ.

Theo chuyên gia Serhii Flesh, các đơn vị tác chiến điện tử trên mặt đất của Nga không bảo vệ Lancet vì họ không muốn việc gây nhiễu ảnh hưởng đến hoạt động của UAV này. Militarnyi cho rằng, đây có thể là điểm mà Ukraine có thể khai thác để ứng phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Lancet.

Chuyên gia quân sự David Hambling nhận định với chuyên trang 19fortyfive rằng, UAV Lancet được xem là một thành công nổi bật của Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.

Trong khi một số vũ khí khác của Nga thể hiện ở mức dưới tầm kỳ vọng thì Lancet đang thể hiện hiệu suất đáng kinh ngạc khi có thể phá hủy hàng loạt các mục tiêu từ khoảng cách xa, bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực, tiêm kích đậu trong căn cứ, pháo binh và hệ thống phòng không.

Theo ông Hambling, Lancet được xem là vũ khí hiệu quả nhất của Nga trong thời gian qua. Lancet từng tấn công và phá hủy xe tăng Leopard-2 do Đức sản xuất có giá 11 triệu USD.

Ngoài ra, Lancet cũng phá hủy mục tiêu giá trị cao khác của Ukraine như bệ phóng tên lửa phòng không, tổ hợp radar. Việc Ukraine mất các vũ khí này giúp Nga tiếp tục duy trì thế áp đảo trên không đối với đối thủ tại nhiều điểm nóng trên tiền tuyến.

Theo Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine