Khoảnh khắc xe tăng Leopard cháy như cầu lửa vì UAV "sát thủ" của Nga
(Dân trí) - UAV tự sát Lancet Nga tấn công xe tăng Leopard của Ukraine do Đức sản xuất khi thiết giáp này đang di chuyển và khai hỏa vào mục tiêu trên chiến trường.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 31/10 đăng tải video được cho là mô tả cảnh UAV tự sát Lancet của Moscow phá hủy xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard Đức viện trợ cho Ukraine.
Chưa rõ thời điểm diễn ra vụ tấn công và theo Eurasian Times, xe tăng do Đức sản xuất dường như bị tập kích ở Avdiivka, nơi đang chứng kiến hoạt động giao tranh quyết liệt giữa Nga và Ukraine thời gian qua.
Đoạn video cho thấy xe tăng Leopard đang di chuyển trên tiền tuyến và bắn ra 2 quả đạn vào mục tiêu Nga. UAV Lancet lao xuống từ phía sau, tấn công vào xe tăng.
Trước đó, chiếc UAV đã bay lảng vảng để bám đuôi xe tăng ở khoảng cách 9-12m, trước khi hạ dần độ cao quyết định tấn công.
Theo Eurasian Times, chiếc xe bị phá hủy có thể là Leopard 2A5 hoặc Leopard 2A6. Chiếc xe bốc cháy dữ dội như cầu lửa có thể vì UAV đã đâm vào khu vực chứa nhiên liệu và đạn dược.
Thông thường, một vụ nổ thứ cấp như vậy có thể gây ra sự phá hủy lớn với xe tăng.
Theo giới chuyên gia, Lancet đang được xem là "khắc tinh" hàng đầu của xe tăng Ukraine, trong đó có Leopard. Tính trong tháng 10, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã dùng pháo và UAV phá hủy ít nhất 6 xe tăng Leopard 2 mà phương Tây viện trợ cho Ukraine.
Trước đó, chuyên gia quân sự David Hambling nhận định với chuyên trang 19fortyfive rằng, UAV Lancet được xem là một thành công nổi bật của Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
Trong thời gian qua, Lancet đang thể hiện hiệu suất đáng kinh ngạc khi có thể phá hủy hàng loạt các mục tiêu từ khoảng cách xa, bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực, tiêm kích đậu trong căn cứ, pháo binh và hệ thống phòng không.
Lancet cất cánh nhờ máy phóng và dùng camera để truyền video trở lại người điều khiển để họ quan sát mục tiêu bằng mắt và kích hoạt tấn công.
Lancet có thể bay với vận tốc 112km/h, khiến nó dễ bị bắn rơi hơn tên lửa dẫn đường, tuy nhiên UAV này rẻ và có thể tấn công bằng số lượng lớn hơn là tên lửa.
Các cuộc tấn công ban đầu của Lancet đều nhắm vào các mục tiêu tĩnh. Nhiều video cho thấy UAV này đã bắt đầu lao vào các mục tiêu đang di chuyển. Điều này có thể cho thấy Nga dường như đã có cải tiến và thay đổi chiến thuật với dòng UAV này.