1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga: 16 triệu người có thể mất việc nếu EU "cai" năng lượng Moscow

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga cảnh báo châu Âu có thể trả giá đắt về kinh tế khi nỗ lực thoát phụ thuộc vào năng lượng của Moscow.

Nga: 16 triệu người có thể mất việc nếu EU cai năng lượng Moscow - 1

Châu Âu đang vướng vào cuộc khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh căng thẳng với Nga đang leo thang (Ảnh: Reuters).

RT đưa tin, người đứng đầu công ty dầu khí nhà nước Nga Rosneft Igor Sechin ngày 27/10 nhận định, kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) nhằm từ bỏ năng lượng Nga có thể khiến khối này đối mặt với hậu quả sụt giảm từ 6,5-11,5% GDP và khoảng 16 triệu người đối mặt với rủi ro mất việc.

Ông Sechin nhận định, các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế EU, như công nghiệp luyện kim, hóa chất, bột giấy và giấy, và nông nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng.

Theo ông, khả năng EU sụt giảm trong ngành công nghiệp hóa chất có thể lên tới 20-45%, trong khi sản lượng trong ngành luyện kim dường như sẽ giảm mạnh 30-60%, vì đây là một trong những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng nhất. Ông Sechin cho hay, châu Âu đã ngừng 70% công suất sản xuất phân đạm và giảm 25% sản lượng nhôm.

Lãnh đạo công ty dầu khí Nga cho rằng, châu Âu đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách của Mỹ và đã mất khả năng đa dạng nguồn cung năng lượng.

Ông cảnh báo kế hoạch áp giá trần lên năng lượng Nga của phương Tây "là một cuộc tấn công không chỉ vào các nguyên tắc cơ bản của thị trường mà còn vào các nguyên tắc cơ bản của chủ quyền. Trên thực tế, ý tưởng là xóa bỏ quyền chủ quyền của các quốc gia đối với tài nguyên của họ", ông Sechin cho hay.

Trong khi đó, ông cho rằng, Mỹ không chịu bất cứ một hạn chế nào và tại Mỹ giá khí đốt vẫn đang rẻ hơn từ 5-6 lần so với EU.

Trong thời gian qua, một số quốc gia châu Âu đã lên tiếng về chính sách năng lượng của Mỹ. Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích Mỹ vì bán giá khí đốt cho châu Âu cao hơn nhiều thị trường nội địa.

Ngày 21/10, ông Macron gọi Mỹ và Na Uy là những nhà sản xuất năng lượng tạo ra "siêu lợi nhuận thực sự" và được hưởng lợi từ "cuộc chiến địa chính trị". Ông cho biết ông đã thảo luận về chủ đề này "một cách thân thiện" với những người đồng cấp Mỹ và Na Uy.

Hồi đầu tháng, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng Mỹ và một số nhà cung cấp thân thiện với Berlin đang bán khí đốt với giá "cao ngất ngưởng". Ông kêu gọi sự đoàn kết hơn nữa từ Mỹ khi hỗ trợ các đồng minh bị áp lực về năng lượng ở châu Âu.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm