1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ khó cứu châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trước cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng đang tác động nghiêm trọng lên châu Âu vì xung đột Nga - Ukraine, các công ty Mỹ dường như khó có thể hỗ trợ EU bằng cách tăng nguồn cung.

Mỹ khó cứu châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng - 1

Một mỏ dầu ở Texas, Mỹ (Ảnh minh họa: Reuters).

Financial Times dẫn nguồn tin từ các quan chức trong ngành đá phiến Mỹ nhận định, Washington khó giúp châu Âu xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn tiến ngày càng trầm trọng hơn.

"Mỹ không thể cung cấp thêm nữa. Sản lượng của chúng tôi đã ở mức như vậy. Sẽ không thể có sự hỗ trợ thêm (cho châu Âu) cả về dầu mỏ, cả về khí đốt", Wil VanLoh từ Quantum Energy Partners - một trong những bên đầu tư lớn nhất trong ngành đá phiến, nhận định. Đá phiến là một trong những nguồn nguyên liệu để phục vụ ngành khai thác dầu và khí đốt ở Mỹ.

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng trầm trọng, trong bối cảnh họ đang cố gắng tìm nguồn cung mới để "cai" dần khí đốt và dầu từ Nga.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh số bán dầu từ Nga có thể giảm gần 20% khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực. Đây là số lượng rất lớn, có thể tác động mạnh tới thị trường toàn cầu trong bối cảnh Nga là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Trong vài tháng qua, châu Âu đã tăng cường mua dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, nhưng theo các nhà điều hành ngành công nghiệp đá phiến, họ không thể tăng thêm sản lượng để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Nga.

"Chúng tôi không bổ sung thêm giàn khoan và tôi không thấy bất cứ bên nào khác xây thêm giàn khoan," Scott Sheffield, Giám đốc điều hành của Pioneer Natural Resources, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Mỹ, nói với Financial Times. Theo báo cáo, tổng số giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ đã không gia tăng trong nhiều tuần, trong khi năng suất của các giàn khoan đang hoạt động có xu hướng giảm.

Hơn nữa, bất chấp những lời kêu gọi gần đây của Washington rằng ngành công nghiệp đá phiến cần tăng sản lượng để hạ giá bán tại thị trường nội địa, các chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư có xu hướng không mặn mà với điều đó.

Ông Ben Dell, từ công ty Kimmeridge Energy, nhận định: "Các nhà đầu tư thường không muốn các công ty đá phiến theo đuổi mô hình tăng trưởng. Nguồn vốn sẵn có là rất hạn chế. Nói cách khác, không có cách nào để chắc chắn rằng giá sẽ ở mức cao đủ lâu để bù đắp cho chi phí khoan giếng mới".

Mỹ khó cứu châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng - 2

Châu Âu đối diện cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi cố gắng thoát phụ thuộc vào Nga (Ảnh: Reuters).

Trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách đối phó khủng hoảng năng lượng, nghị sĩ Đức Klaus Ernst ngày 15/9 cảnh báo nền kinh tế lớn hàng đầu EU đang đối mặt với làn sóng phá sản hàng loạt vì các lệnh trừng phạt áp lên Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

"Chúng ta (EU) đã áp 7 gói trừng phạt lên Nga và Moscow đang thu lợi nhuận cao kỷ lục. Trong khi đó, chúng ta đang bị đe dọa bởi làn sóng phá sản. Vì vậy, hãy đàm phán với Nga với một tư duy cởi mở", ông Ernst kêu gọi.

Với giá khí đốt và điện tăng cao, kinh tế Đức dự kiến sẽ suy thoái vào năm 2023. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo có trụ sở tại Munich, cuộc khủng hoảng năng lượng đang tác động mạnh tới nền kinh tế Đức và có thể dẫn đến GDP nước này giảm 0,3% trong năm tới.

Trong khi đó, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tháng trước thừa nhận, mô hình kinh tế của nước này trong nhiều năm qua đã phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ nhập từ Nga. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, mô hình này sẽ không bao giờ thực hiện được nữa sau khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang trong hơn nửa năm qua.

"Đức đã phát triển mô hình kinh doanh dựa phần lớn vào khí đốt giá rẻ của Nga trong nhiều năm. Mô hình này đã thất bại và sẽ không bao giờ quay trở lại nữa", ông cho hay.

Theo Financial Times, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine