1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Né" tiêm vắc xin Covid-19, hàng trăm người Ấn Độ nhảy xuống sông

Thành Đạt

(Dân trí) - Nhiều người Ấn Độ bỏ chạy tán loạn và nhảy xuống sông vì không muốn tiêm vắc xin Covid-19, bất chấp làn sóng dịch bệnh khiến hơn 300.000 người thiệt mạng.

Né tiêm vắc xin Covid-19, hàng trăm người Ấn Độ nhảy xuống sông - 1

Dân làng Sisaunda tìm cách chạy trốn vì không muốn tiêm vắc xin Covid-19 (Ảnh: Twitter/Sputnik).

Cuối tuần trước, một vụ việc gây chú ý đã xảy ra tại làng Sisaunda ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ khi nhiều người bỏ chạy tán loạn quanh làng và cuối cùng nhảy xuống sông Sarayu vì không muốn tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Khi các nhân viên y tế tới Sisaunda để tiêm vắc xin cho người dân, họ được yêu cầu rời khỏi làng. Trong khi các nhân viên y tế cố gắng thuyết phục mọi người thực hiện việc tiêm chủng, người dân trong làng cảm thấy hoảng loạn.

Vì cho rằng vắc xin mà họ được khuyến cáo sử dụng là "thuốc độc", nên nhiều người không muốn tiêm chủng. Trong khi khoảng 200 người nhảy xuống sông Sarayu, một số người vẫn đứng trên bờ và dọa sẽ nhảy xuống nếu các nhân viên y tế ép họ phải tiêm.

Theo truyền thông Ấn Độ, một quan chức đã tới hiện trường để khuyên nhủ dân làng và đưa họ lên bờ. Sau khi được nghe giải thích, 18 người đã đồng ý tiêm vắc xin. Khoảng 1.700 người đang sinh sống ở làng Sisaunda.

"Hầu hết dân làng không biết chữ. Họ kiên quyết không tiêm chủng. Sau vụ việc này, các cán bộ của chúng tôi phải đi hết nhà này đến nhà khác để tuyên truyền cho mọi người về tầm quan trọng của việc tiêm chủng và xóa bỏ những nghi ngờ. Tình hình sẽ tốt hơn trong những ngày tới", một quan chức cảnh sát tại đồn cảnh sát Ramnagar nói với hãng tin Sputnik hôm 24/5.

"Chúng tôi không thể cưỡng ép mọi người tiêm chủng, cũng như không thể bắt giữ và tống giam họ chỉ vì họ sợ bị tiêm. Vì vậy, chúng tôi đang tăng cường các sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức của người dân", quan chức Ấn Độ nói thêm.

Sputnik đã liên hệ với những người dân trong làng Sisaunda để tìm hiểu nguyên nhân khiến họ sợ tiêm vắc xin. Theo Sputnik, lý do là vì dân làng nghĩ rằng chỉ những người bị nhiễm virus mới phải tiêm vắc xin, do vậy họ cảm thấy khó hiểu khi những người không bị mắc Covid-19 cũng phải tiêm.

Ngoài ra, những thông tin truyền miệng từ người này sang người khác cũng khiến dân làng lo ngại, thậm chí có thông tin còn bị sai lệch. Người dân nghe tin rằng ở những ngôi làng và thành phố lân cận, có nhiều trường hợp đã tiêm vắc xin nhưng vẫn bị nhiễm virus, hoặc có những trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin. Do vậy, họ không an tâm khi được đề nghị tiêm chủng.

Tuy nhiên, đại diện cho người dân trong làng nói rằng, nếu cảnh sát và nhân viên y tế tới gặp người dân và thuyết phục họ, tình hình có thể thay đổi.

Dù là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới nhưng Ấn Độ hiện không có đủ vắc xin Covid-19 để sử dụng. Cho tới nay, chỉ khoảng 9% trong tổng số 1,3 tỷ dân của Ấn Độ được tiêm một liều vắc xin.

Dữ liệu của Bộ Y tế Ấn Độ ngày 25/5 cho biết, nước này ghi nhận thêm 196.427 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm trong ngày thấp nhất tại Ấn Độ kể từ ngày 14/4. Trong khi đó, số ca tử vong tại Ấn Độ tăng thêm 3.511 người trong 24 giờ qua.

Tính đến nay, số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ đã vượt 26,9 triệu người, trong đó hơn 307.000 người đã tử vong. 

Dịch Covid-19 có dấu hiệu giảm xuống ở các thành phố lớn, nhưng lại có xu hướng lan rộng hơn ở các vùng nông thôn của Ấn Độ. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng, hệ thống y tế vốn nghèo nàn ở các khu vực này có thể nhanh chóng sụp đổ do khủng hoảng dịch bệnh.