1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

NATO lần đầu lên tiếng về chiến dịch đột kích của Ukraine vào Nga

Minh Phương
Ukraine tấn công tỉnh Kursk

(Dân trí) - Tổng thư Ký NATO Jens Stoltenberg ủng hộ cuộc đột kích của Ukraine vào vùng biên giới Kursk của Nga và cho rằng Kiev có quyền tự vệ chính đáng.

NATO lần đầu lên tiếng về chiến dịch đột kích của Ukraine vào Nga - 1

Tổng thư Ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Reuters).

"Ukraine có quyền tự vệ. Và theo luật pháp quốc tế, quyền này không dừng lại ở biên giới", Tổng thư Ký NATO Jens Stoltenberg ngày 30/8 trả lời phỏng vấn báo Welt am Sonntag của Đức.

Ông khẳng định Ukraine không thông báo trước cho NATO về chiến dịch đột kích Kursk và NATO cũng không tham gia vào chiến dịch này.

Người đứng đầu NATO cho biết Ukraine đang gặp rủi ro khi tiến vào lãnh thổ Nga nhưng việc tiến hành chiến dịch quân sự như thế nào là tùy thuộc vào Kiev.

"Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói rõ rằng hoạt động này nhằm tạo ra một vùng đệm để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của Nga từ bên kia biên giới. Giống tất cả các hoạt động quân sự, điều này đi kèm với rủi ro. Nhưng việc tự vệ như thế nào là quyền quyết định của Ukraine", ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Đây là bình luận đầu tiên của người đứng đầu NATO kể từ khi Ukraine mở cuộc đột kích vào tỉnh biên giới Kursk của Nga hôm 6/8. Sau hơn 3 tuần, quân đội Ukraine tuyên bố đã kiểm soát khoảng 1.300km2 lãnh thổ Kursk, hay hơn 100 khu định cư ở đây. Tuy nhiên, tốc độ tiến công bắt đầu chậm lại khi Nga điều động lực lượng tiếp viện cho Kursk.

Nga mặc dù đã rút một số đơn vị từ chiến trường Ukraine về Kursk, song vẫn ưu tiên mặt trận Pokrovsk trong nỗ lực nhằm kiểm soát hoàn toàn miền đông Ukraine.

Chiến dịch đột kích của Ukraine đã nhận được sự ủng hộ của các đồng minh phương Tây, trong đó có Mỹ, Đức. Các nước này cho rằng, cuộc đột kích là hành động tự vệ của Ukraine nhằm bảo vệ người dân các vùng biên giới của nước này khỏi làn sóng tấn công của Nga.

Tuy vậy, phương Tây hiện vẫn chia rẽ về ý tưởng bật đèn xanh cho Ukraine dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga theo đề nghị của Kiev do lo ngại xung đột leo thang.

Theo Reuters