1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tướng NATO: Ukraine có thể thua Nga nếu Mỹ không tăng viện trợ

Minh Phương

(Dân trí) - Một cựu tướng Mỹ và chỉ huy hàng đầu của NATO cảnh báo, Ukraine sẽ phải đối mặt với thất bại trước Nga nếu Washington không tăng đáng kể hỗ trợ quân sự, nới lỏng quy định về sử dụng vũ khí viện trợ.

Tướng NATO: Ukraine có thể thua Nga nếu Mỹ không tăng viện trợ - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa (Ảnh: AFP).

"Nếu chúng ta tiếp tục làm những gì đang làm, Ukraine cuối cùng sẽ thua. Bởi vì hiện tại chúng ta cố tình không mang lại cho Ukraine những gì họ cần để giành chiến thắng", ông Philip Breedlove, người lãnh đạo các hoạt động của NATO ở châu Âu từ năm 2013 đến năm 2016, lập luận.

Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong việc quyết định cục diện xung đột Nga - Ukraine. "Cuộc chiến này sẽ kết thúc theo đúng cách các nhà hoạch định chính sách phương Tây quyết định nó sẽ kết thúc như thế nào", tướng Không quân Mỹ về hưu nói.

Mỹ là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột giữa Ukraine và Nga nổ ra hồi tháng 2/2022. Washington đến nay vẫn cấm Kiev sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa do nước này viện trợ để nhằm vào các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định cách tiếp cận này rất quan trọng để tránh gây ra phản ứng trả đũa từ Nga.

Một số nhà phân tích cũng đồng tình, chỉ ra một cuộc tấn công của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo tầm xa do Mỹ viện trợ có thể bị Nga coi là cuộc tấn công trực tiếp của Washington.

Trong khi đó, các nhà lập pháp Cộng hòa và một số nhà phân tích an ninh, nhà ngoại giao cho rằng Mỹ và các đồng minh nên nới lỏng hạn chế này với Ukraine.

Trong bối cảnh hiện nay khi Ukraine triển khai cuộc đột kích sâu vào vùng biên giới Kursk của Nga bất chấp chiến trường miền đông khó khăn, căng thẳng, các đối tác phương Tây phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng nhằm nới lỏng lập trường thận trọng về việc triển khai vũ khí phương Tây trong cuộc xung đột.

Lực lượng Ukraine đột kích vào Kursk từ ngày 6/8 và hiện kiểm soát khoảng 1.300km2 lãnh thổ ở đây. Trong tuần này, Nga đã đáp trả bằng cuộc không kích lớn chưa từng có vào Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các hạn chế đối với tên lửa tầm xa ATACMS để tạo điều kiện cho Kiev tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Đại diện cấp cao về đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell ủng hộ việc dỡ bỏ các hạn chế đối với tên lửa tầm xa viện trợ, cho rằng điều đó sẽ giúp Ukraine cải thiện năng lực phòng thủ, giảm thiểu tổn thất.

Trong một diễn biến liên quan, đại diện các nước tham gia cuộc họp của Hội đồng NATO - Ukraine ngày 28/8 đã lên án các cuộc tập kích gần đây của Nga vào Ukraine, đồng thời khẳng định lại cam kết hỗ trợ Kiev tăng cường phòng thủ.

"Chúng ta phải tiếp tục cung cấp cho Ukraine các thiết bị và đạn dược cần thiết để tự vệ trước Nga. Điều này rất quan trọng đối với khả năng tiếp tục chiến đấu của Ukraine", Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine