1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

NATO dùng chiến sự Ukraine để loại bỏ vũ khí lỗi thời: "Một công đôi việc"

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Chuyên gia quân sự và cựu sĩ quan pháo binh cấp cao của NATO Pierre Henrot nói rằng, các quốc gia NATO đã bơm vũ khí cho Ukraine, nhưng hầu hết chúng đã lỗi thời và bị bỏ quên trong nhiều thập niên.

NATO dùng chiến sự Ukraine để loại bỏ vũ khí lỗi thời: Một công đôi việc - 1

Lực lượng cơ giới Ukraine bị Nga phá hủy, trong đó có nhiều xe tăng Leopard 2 và xe bọc thép do phương Tây viện trợ. (Ảnh: Reuters).

Chuyên gia Pierre Henrot nhận định, quá trình cung cấp vũ khí lỗi thời cho Ukraine đã giúp các quốc gia NATO thực hiện "một công đôi việc".

"Các quốc gia NATO trên thực tế chỉ gửi thiết bị cũ nhất của họ đến Ukraine và tận dụng cơ hội để bổ sung, thay thế cho quân đội của họ bằng những vũ khí thế hệ mới. Có rất nhiều ví dụ, Ba Lan - quốc gia ủng hộ Kiev nhiệt thành nhất, từ rất sớm, đã cung cấp tất cả xe tăng thời Liên Xô của họ cho Ukraine và đổi lại, họ vừa nhận một lô xe tăng Abrams đầu tiên từ Mỹ, hoàn toàn mới, được sản xuất dành riêng cho quân đội Ba Lan", ông Henrot nói.

Các quốc gia khác cũng cung cấp thiết bị đã ngừng hoạt động từ lâu, bao gồm 88 xe tăng Leopard 1 của Đức bị rút khỏi biên chế từ năm 2003, và xe tăng hạng nhẹ AMX 10-RC của Pháp được phát triển vào những năm 1970, cũng đã bị quân đội Pháp cho ngừng hoạt động.

Chuyên gia này giải thích thêm: "Điều tồi tệ nhất có lẽ là việc Pháp giao xe bọc thép chở quân VAB phiên bản bốn bánh, vốn được đưa vào sử dụng từ năm 1979, luôn bị sa lầy trong bùn mùa thu và qua thực tế chiến đấu, nó đã được mệnh danh như "quan tài thép di động" đối với bộ binh Ukraine".

Một số quốc gia, bao gồm Cộng hòa Séc, Slovakia và Romania, cũng đã gửi cho Ukraine toàn bộ số máy bay chiến đấu MiG hoặc Sukhoi thời Liên Xô, ông Henrot cho biết.

Chuyên gia Henrot chỉ ra rằng, bên cạnh việc giao hàng thiếu cẩn trọng như vậy, một vấn đề nghiêm trọng khác là phụ tùng thay thế và đạn dược cho những loại vũ khí thường khác nhau và không tương thích, gây khó khăn lớn cho công tác bảo đảm kỹ thuật hậu cần của quân đội Ukraine.

"Cứ như thể, các đối tác NATO đang loại bỏ những vũ khí lỗi thời, đã bị bỏ xó từ lâu của họ", cựu sĩ quan pháo binh nói.

Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý rằng, một số vũ khí trang bị viện trợ của phương Tây rất hữu ích cho quân đội Ukraine và có chất lượng tốt như vũ khí nhỏ, áo chống đạn và hệ thống nhìn đêm, cũng như tên lửa Stinger và Javelin do Mỹ sản xuất.

"Cũng có vũ khí do Mỹ cung cấp phù hợp và hiệu quả, điển hình như 2.000 tên lửa phòng không vác vai Stinger hoặc 10.000 tên lửa chống tăng Javelin, chúng đều những vũ khí đáng gờm của lính bộ binh Ukraine. Tương tự, tên lửa NLAW cũng là một vũ khí hữu ích trên chiến trường", ông nói.

Đồng thời, các nước phương Tây thường thiếu năng lực sản xuất vũ khí theo yêu cầu của quân đội Ukraine, ông Henrot nhấn mạnh.

"Các quốc gia NATO không theo kịp việc sản xuất đạn pháo, thậm chí cả vũ khí nhỏ. Một lần nữa, các cỡ nòng quá đa dạng thực sự là vấn đề đau đầu, nhưng trên hết, họ không có đủ dây chuyền chế tạo. Các nhà thầu quân sự dường như không muốn khởi động sản xuất vì lo ngại có thể bị dừng lại khá nhanh và họ đã không nhận được hợp đồng dài hạn chắc chắn từ các chính phủ phương Tây", chuyên gia giải thích.

Ông Henrot tin rằng quyết định gửi bom đạn chùm tới Ukraine bị chỉ trích rộng rãi gần đây của Mỹ là minh chứng cho vấn đề tương tự. Chuyên gia kết luận: "Về phần mình, Mỹ đã gần như công khai thừa nhận rằng đó là những viên đạn cuối cùng của họ trong kho và họ không còn gì để giao".

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine