NATO đưa lá chắn tên lửa đến sát Ukraine
(Dân trí) - Các nước thành viên NATO đã bắt đầu chuyển hệ thống phòng không Patriot cho Slovakia trong một nỗ lực nhằm tăng cường phòng thủ trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine leo thang.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad ngày 20/3 cho biết: "Tôi xin vui mừng thông báo rằng các đơn vị đầu tiên phụ trách triển khai hệ thống phòng không Patriot đang dần đến Slovakia". Các thành viên NATO sẽ tiếp tục vận chuyển các cấu phần của Patriot đến Slovakia trong những ngày tới.
Bộ trưởng Nad lưu ý thêm, hệ thống Patriot này nhằm bổ sung, chứ không thay thế hệ thống S-300 mà Slovakia đang vận hành.
"Tổ hợp Patriot ban đầu sẽ được triển khai ở căn cứ không quân Sliac, các khu vực tiếp theo đang được tham vấn để lưới phòng thủ bao phủ được phần diện tích lớn nhất có thể trong lãnh thổ Slovakia", ông Nad nói và cho biết thêm rằng hệ thống này sẽ do binh sĩ Đức và Hà Lan vận hành.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot còn được gọi với tên "Lá chắn thép" là một vũ khí tối tân của quân đội Mỹ. Patriot sử dụng một hệ thống tên lửa đánh chặn và bộ radar tiên tiến nhất. Patriot có phạm vi tác chiến từ 30-160km tùy biến thể. Biến thể nâng cấp Patriot PAC sử dụng công nghệ tiên tiến cho phép khối lượng tên lửa nhẹ hơn, đầu đạn có thể trang bị nhiều hơn các thiết bị điện tử cho nhiệm vụ truy tìm và tiêu diệt mục tiêu. Patriot được thiết kế nhằm tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa hành trình và các loại máy bay tiên tiến.
Mỹ đã bán một số hệ thống phòng thủ Patriot cho một số đồng minh như Ai Cập, Đức, Hy Lạp, Israel, Nhật Bản, Kuwait , Hà Lan, Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất và Tây Ban Nha.
Thông tin triển khai Patriot ở Slovakia được đưa ra trong bối cảnh NATO đang nỗ lực tăng cường phòng thủ ở sườn Đông của liên minh giữa lúc chiến sự Nga - Ukraine căng thẳng. Trước đó, Mỹ cũng tuyên bố sẽ triển khai 2 tổ hợp Patriot ở Ba Lan, một thành viên NATO và cũng là một nước láng giềng nữa của Ukraine.
Slovakia là thành viên của NATO và EU, có đường biên giới chung với Ukraine kéo dài 100 km. Tuần trước, Slovakia tuyên bố sẵn sàng cung cấp ngay lập tức hệ thống phòng thủ S-300 duy nhất cho Ukraine với điều kiện NATO phải bù đắp lại cho Slovakia về năng lực phòng thủ. Ukraine nhiều lần đề nghị phương Tây hỗ trợ các hệ thống phòng thủ tương tự S-300, tuy vậy, một nhược điểm của hệ thống này là phụ thuộc nhiều vào Moscow do tên lửa của S-300 chỉ do các công ty quốc phòng của Nga sản xuất.
Về phía Nga, giới chức nước này yêu cầu các nước không cung cấp S-300 cho Kiev, đồng thời cảnh báo bất cứ xe chở vũ khí nước ngoài nào cho Ukraine đều có thể trở thành "mục tiêu hợp pháp" của lực lượng Nga.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Mỹ và các đồng minh NATO đã liên tiếp hỗ trợ khí tài cho Kiev, đồng thời cảnh báo sẽ kích hoạt điều khoản "phòng thủ tập thể" nếu xung đột lan tới lãnh thổ NATO.