1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Slovakia ra điều kiện cấp S-300 ngay lập tức cho Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Slovakia sẵn sàng cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không S-300 để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga nhưng với điều kiện kèm theo.

Slovakia ra điều kiện cấp S-300 ngay lập tức cho Ukraine - 1

Hệ thống phòng không S-300 (Ảnh minh họa: Sputnik).

"Chúng đã thảo luận với Mỹ, Ukraine và các đồng minh khác về khả năng triển khai hoặc cung cấp hệ thống S-300 cho Ukraine và chúng tôi sẵn sàng làm vậy", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad cho biết ngày 17/3. 

Bộ trưởng Nad nhấn mạnh: "Chúng tôi sẵn sàng làm điều đó ngay lập tức nhưng chỉ khi có phương án bù đắp phù hợp". Ông Slovakia cho biết, Slovakia sẽ cung cấp S-300 cho Ukraine nếu NATO bù đắp cho Slovakia.

Về đề xuất này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang ở thăm Slovakia nói: "Tôi chưa thể đưa ra tuyên bố nào ngay lúc này. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với đồng minh về các vấn đề đó. Tất nhiên, đó không phải vấn đề của riêng Mỹ, đó là vấn đề của NATO".

Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cung cấp nhiều vũ khí, trang thiết bị quân sự hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, nước này cần các hệ thống phòng không tương tự S-300 mà Slovakia đang sở hữu.

Slovakia là một thành viên của NATO, có đường biên giới chung với Ukraine kéo dài 98 km. Nước này sở hữu một khẩu đội S-300. Sắp tới, Slovakia dự kiến sẽ tiếp nhận các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot theo kế hoạch triển khai nhằm tăng cường binh lực của NATO ở sườn Đông của liên minh quân sự này. Tuy vậy, Slovakia cho rằng, việc triển khai đó là chưa đủ, hơn nữa các hệ thống Patriot cũng không thực sự thuộc quyền sở hữu của nước này để phục vụ cho nhu cầu bảo vệ lãnh thổ.

S-300 là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa do Tổ hợp NPO Almaz nghiên cứu phát triển, được Liên Xô triển khai lần đầu vào cuối những năm 1970. S-300 được sử dụng để đánh chặn các phương tiện tập kích đường không như máy bay, tên lửa có cánh và tên lửa hành trình. Các phiên bản gần đây, S-300 còn có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, máy bay tiêm kích tàng hình, các mục tiêu bay thấp... Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự thế giới, S-300 là một trong những hệ thống tên lửa phòng không đánh chặn hiệu quả nhất thế giới hiện nay.

Đầu tuần này, các nguồn thạo tin của CNN cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đang tìm những quốc gia có sẵn hệ thống tên lửa phòng không S-300 do Liên Xô sản xuất và tìm cách chuyển chúng đến Ukraine. Hiện tại Washington vẫn chưa biết tìm nguồn cung cấp tên lửa cho các hệ thống S-300 ở đâu, vì tên lửa chỉ được sản xuất bởi các công ty quốc phòng Nga.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được quốc hội yêu cầu chuyển giao nhiều loại thiết bị quân sự hạng nặng do Liên Xô chế tạo cho Ukraine, bao gồm cả S-300 và máy bay chiến đấu MiG-29. Mặc dù vậy, Lầu Năm Góc từ chối đề xuất của Ba Lan về việc chuyển phi đội gồm 28 máy bay MiG-29 của họ đến căn cứ Mỹ tại Đức để Washington trực tiếp chuyển cho Ukraine. Washington cho rằng kế hoạch này là không khả thi do có thể khiêu khích Nga.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine