1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ và đồng minh đưa tên lửa tới Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ và các đồng minh NATO đang chuyển tên lửa tới Ukraine để hỗ trợ nước này đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

Mỹ và đồng minh đưa tên lửa tới Ukraine - 1

15 chuyến bay viện trợ quân sự, bao gồm 90 tấn đạn dược và hệ thống tên lửa Javelin, đến Ukraine hồi tháng 2 (Ảnh: Reuters).

Một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 16/3 cho biết, Mỹ và các đồng minh NATO đang chuyển các hệ thống tên lửa đất đối không cho Ukraine để hỗ trợ nước này nâng cao năng lực phòng thủ.

Theo quan chức Mỹ, các hệ thống tên lửa được chuyển giao bao gồm SA-8, SA-10, SA-12 và SA-14.

Các hệ thống trên có tầm bắn thấp hơn so với hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 - khí tài được Ukraine đề xuất, nhưng có tầm bắn cao hơn so với tên lửa vác vai Stinger được cung cấp cho Ukraine trước đây.

Quan chức Mỹ nói rằng, các hệ thống tên lửa này có nguồn gốc từ các quốc gia đối tác trong liên minh NATO và đang "trên đường" vận chuyển đến Ukraine.

Trước đó, truyền thông Mỹ dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Bộ Ngoại giao nước này được cho là đang xác định quốc gia nào trên thế giới sở hữu hệ thống phòng không S-300 và cân nhắc cách thức để chuyển các hệ thống vũ khí này tới Ukraine.

Chính quyền Mỹ đang đối mặt với đề nghị từ quốc hội về việc chuyển các hệ thống vũ khí hạng nặng từ thời Liên Xô cho Ukraine, như các tiêm kích MiG-29 và lá chắn phòng không S-300. Các hệ thống này sẽ giúp các quân nhân Ukraine, những người đã có kinh nghiệm sử dụng vũ khí Liên Xô, có thể thích ứng và triển khai nhanh trên chiến trường hơn là các vũ khí hạng nặng của phương Tây.

S-300 có khả năng bắn rơi máy bay và tên lửa hành trình. Hệ thống này được thiết kế để có tính cơ động cao, cho phép lực lượng phòng không khai hỏa và nhanh chóng di chuyển để tránh bị tấn công trả đũa.

Ukraine có một số lá chắn S-300 trong kho vũ khí. Các quan chức Mỹ chưa đề cập tới việc họ sẽ lấy S-300 ở đâu để gửi cho Ukraine. Tuy nhiên, 3 quốc gia NATO là Bulgaria, Hy Lạp và Slovakia sở hữu các lá chắn này.

Người đứng đầu lực lượng Mỹ ở châu Âu, Tướng Không quân Tod Wolters, hôm 10/3 cho biết việc cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không và các hệ thống khác có ý nghĩa hơn so với tiêm kích.

Trước đó, Lầu Năm Góc đã từ chối đề xuất của Ba Lan về việc chuyển toàn bộ phi đội 28 tiêm kích MiG-29 của nước này cho Kiev thông qua Mỹ. Washington cho rằng kế hoạch trên là bất khả thi vì có thể kéo NATO vào nguy cơ xung đột với Nga.

NBC News dẫn lời 2 quan chức Quốc hội Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét cung cấp cho Ukraine các tên lửa dẫn đường tiên tiến do Mỹ sản xuất, đặc biệt là tên lửa Switchblade với uy lực mạnh.

Mỹ và các đồng minh vẫn đang tìm cách viện trợ quân sự cho Ukraine theo đề nghị của Kiev, trong bối cảnh chiến sự vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau 3 tuần. Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine, hôm nay cho biết các lực lượng vũ trang nước này đã tiến hành các cuộc phản công nhằm vào lực lượng Nga tại một số khu vực tác chiến.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine