1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ tiếp tục giáng đòn vào "túi tiền" của quân đội Myanmar

Minh Phương

(Dân trí) - Sau các lệnh trừng phạt nhằm vào các tướng lĩnh Myanmar, Mỹ tiếp tục trừng phạt các doanh nghiệp được cho là mang lại nguồn thu đáng kể cho chính quyền quân sự ở quốc gia Đông Nam Á này.

Mỹ tiếp tục giáng đòn vào túi tiền của quân đội Myanmar - 1
Khai thác đá quý là một trong các lĩnh vực mang lại nguồn thu đáng kể cho Myanmar (Ảnh: AFP).

Bộ Tài chính Mỹ ngày 8/4 áp lệnh trừng phạt với Công ty Đá quý Quốc gia Myanmar (Myanma Gems Enterprise) nhằm chặn nguồn thu của quân đội Myanmar. Theo lệnh trừng phạt, công dân Mỹ bị cấm giao dịch với công ty này của Myanmar.

"Hành động hôm nay cho thấy cam kết của Bộ Tài chính Mỹ nhằm chặn nguồn thu của quân đội Myanmar, bao gồm các doanh nghiệp quốc doanh chủ chốt", Andrea Gacki, giám đốc Văn phòng Quản lý tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ, cho biết.

Myanmar là nguồn cung cấp chính các loại đá quý như ngọc bích, hồng ngọc và nhiều loại đá quý hiếm khác. Lệnh trừng phạt nhằm vào công ty đá quý của Myanmar là một phần trong nỗ lực nhằm chặn nguồn thu của quân đội Myanmar. Trước đó, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên hàng loạt tướng lĩnh và các doanh nghiệp quân đội Myanmar. Các lệnh trừng phạt nhằm gây sức ép buộc quân đội Myanmar khôi phục nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này.

Quân đội đang điều tra "gian lận bầu cử"

Myanmar lún sâu vào khủng hoảng kể từ khi quân đội lật đổ chính quyền dân sự và giành quyền kiểm soát đất nước hôm 1/2. Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đến nay đã khiến gần 600 người thiệt mạng, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Hàng nghìn người đã vượt biên sang Ấn Độ và Thái Lan để lánh nạn, trong đó có cả các sĩ quan cảnh sát, quân đội và nghị sĩ. Một đại diện của chính quyền dân sự ở Myanmar cho biết có ít nhất 6 nghị sĩ trong số 1.800 người Myanmar đang trú ẩn ở Ấn Độ sau khi bỏ trốn khỏi đất nước do lo ngại bị quân đội giam giữ.

Quân đội Myanmar đến nay tiếp tục bác bỏ ý kiến cho rằng binh biến ở quốc gia này là một cuộc đảo chính. Trả lời phỏng vấn hôm qua, người phát ngôn chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun nói rằng, quân đội đang "bảo vệ" đất nước và điều tra "gian lận bầu cử". Quân đội Myanmar cáo buộc đảng của nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi đã gian lận trong cuộc bầu cử cuối năm ngoái mặc dù ủy ban bầu cử quốc gia đã bác bỏ cáo buộc.

Quân đội Myanmar giành quyền kiểm soát đất nước hôm 1/2 và ban bố lệnh khẩn cấp kéo dài 1 năm, cho phép chuyển giao quyền lực lập pháp, tư pháp và hành pháp cho Thống tướng Min Aung Hlaing. Ông Zaw Min Tun cho biết, lệnh khẩn cấp này có thể gia hạn thêm 6 tháng hoặc lâu hơn nữa nếu như chính quyền quân sự vẫn chưa hoàn tất cả nhiệm vụ. Người phát ngôn này cho biết, quân đội cam kết tiến hành một cuộc bầu cử mới và trao lại quyền lực cho đảng giành chiến thắng, tuy nhiên không ấn định thời gian cụ thể. Dẫn hiến pháp năm 2008 do quân đội soạn ra, ông Zaw Min Tun nói: "Chúng tôi phải hoàn tất mọi việc trong vòng 2 năm. Chúng tôi phải tiến hành một cuộc bầu cử tự do và công bằng trong 2 năm đó. Chúng tôi cam kết sẽ làm điều đó".

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar