1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Súng lại nổ ở Myanmar, thêm nhà máy Trung Quốc bị phóng hỏa

Minh Phương

(Dân trí) - Các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình Myanmar tiếp tục nổ ra, dù gần 600 người đã thiệt mạng sau hơn 2 tháng qua.

Súng lại nổ ở Myanmar, thêm nhà máy Trung Quốc bị phóng hỏa - 1
Nhiều vụ nổ xảy ra ở khu vực Yangon ngày 7/4 (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, lực lượng an ninh Myanmar hôm nay đã nổ súng vào các đám đông biểu tình ở thị trấn Kale, thuộc khu vực Sagaing, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và một số người bị thương. Hai người biểu tình khác cũng thiệt mạng ở thị trấn Bago, gần thành phố Yangon.

Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân chính trị (AAPP) cho biết, hơn 2 tháng kể từ sau cuộc đảo chính quân sự, ít nhất 581 người biểu tình Myanmar đã thiệt mạng, gần 3.500 người bị bắt giữ, trong đó gần 2.800 người chưa được phóng thích.

Súng lại nổ ở Myanmar, thêm nhà máy Trung Quốc bị phóng hỏa - 2

Một nhà máy bị phóng hỏa ở Yangon (Ảnh: Reuters).

Cũng trong ngày hôm nay, ít nhất 7 vụ nổ đã xảy ra ở thành phố Yangon, trong đó có các vụ nổ ở các tòa nhà chính quyền, một bệnh viện quân đội, một trung tâm thương mại. Một nhà máy dệt may do Trung Quốc sở hữu ở Yangon cũng bốc cháy. Hiện chưa có thông tin về thương vong, thiệt hại sau các vụ nổ này.

Tháng trước, hàng chục nhà máy Trung Quốc ở phía nam Yangon cũng trở thành mục tiêu tấn công, đốt phá của người biểu tình. Trung Quốc được cho là rơi vào thế khó ở Myanmar. Bắc Kinh có quan hệ hữu nghị với cả chính quyền dân sự và quân sự Myanmar, một số ý kiến cho rằng nếu Bắc Kinh gay gắt với chính quyền quân sự, điều đó sẽ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Trung Quốc ở Myanmar.

Myanmar tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng khi người biểu tình tiếp tục xuống đường phản đối binh biến. Trong khi đó, quân đội đổ lỗi cho người biểu tình "phá hủy đất nước" khi tiến hành các phong trào bất tuân dân sự như nghỉ làm, đóng cửa trường học, bệnh viện, nhà máy, phong tỏa đường xá.

Về phía cộng đồng quốc tế, các nước phương Tây tiếp tục áp các lệnh trừng phạt quân đội Myanmar nhằm gây sức ép buộc chính quyền quân sự khôi phục nền dân chủ, trả tự do cho các quan chức dân sự. Tuy nhiên, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cho rằng, chỉ áp lệnh trừng phạt sẽ khó có thể khôi phục dân chủ ở Myanmar. Một số nước trong khu vực, trong đó có Indonesia, Singapore đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar