1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ nói tên lửa HIMARS viện trợ cho Ukraine có tầm bắn tới Crimea

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Mỹ cho biết, các tên lửa GMLRS sử dụng trên hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS mà Washington đang cấp cho Ukraine có tầm tấn công các mục tiêu ở bán đảo Crimea.

Mỹ nói tên lửa HIMARS viện trợ cho Ukraine có tầm bắn tới Crimea - 1

Mỹ đã viện trợ và cam kết viện trợ cho Ukraine hàng chục hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS (Ảnh: Wikipedia).

Laura Cooper, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề Nga, Ukraine và châu Âu, cho hay các hệ thống hỏa lực HIMARS mà Washington cung cấp cho Kiev "có thể tiếp cận phần lớn các mục tiêu, bao gồm cả Crimea".

"Chúng tôi đánh giá rằng với khả năng hiện có của các tên lửa GMLRS sử dụng trên HIMARS, các vũ khí này có thể tiếp cận phần lớn các mục tiêu trên chiến trường (của Nga)", bà Cooper cho biết.

Theo quan chức Mỹ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tới nay đã cam kết viện trợ an ninh hơn 17.5 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi ông Biden nhậm chức, trong đó có 16,8 tỷ USD kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát hồi cuối tháng 2.

Phát biểu của bà Cooper diễn ra trong bối cảnh, truyền thông Mỹ dẫn các nguồn thạo tin trong chính quyền nước này cho biết, Ukraine dường như đã gửi cho Mỹ danh sách đầy đủ về những mục tiêu của Nga mà họ dự định có thể nhắm tới.

Đây được xem là nỗ lực để thuyết phục chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden cấp cho Ukraine các vũ khí tầm xa, uy lực hơn, ví dụ như tên lửa ATACMS sử dụng trên hệ thống hỏa lực HIMARS.

ATACMS là tên lửa đất đối đất có tầm bắn 300km, gấp 4 lần các tên lửa GMLRS mà Mỹ đang cấp cho Ukraine để sử dụng trên hệ thống HIMARS, với tầm tấn công 70-80km.

Mỹ trước đó nhiều lần từ chối đề nghị từ Ukraine nhằm cấp cho Kiev các tên lửa tầm xa hơn.

Hồi tháng 7, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay, nước này sẽ không cung cấp ATACMS cho Ukraine vì lo ngại chúng sẽ được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga, diễn biến có thể làm leo thang xung đột và có khả năng dẫn đến Thế chiến III.

Việc Ukraine gửi danh sách mục tiêu Nga cho Mỹ được xem là động thái nhằm bảo đảm Kiev sẽ không sử dụng vũ khí của Washington tấn công vào trong lãnh thổ Nga, theo giới quan sát.

Trong phát biểu gần đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc rằng, Mỹ đã trở thành một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine vì ồ ạt gửi vũ khí cho Kiev.

Crimea hiện được xem là khu vực chiến lược của Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Thành phố cảng Sevastopol thuộc Crimea là nơi đồn trú Hạm đội Biển Đen của Nga và được coi là một căn cứ quân sự quan trọng với Moscow. 

Năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý. Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu đường và mạng lưới điện, đồng thời triển khai nhiều khí tài quân sự đến đây, biến Crimea thành trung tâm hậu cần quân sự cho các lực lượng của Nga. 

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters tháng trước, khi được hỏi liệu Ukraine có thể giành lại bán đảo Crimea hay không, Tổng thống Zelensky nói: "Không có lựa chọn nào khác, không có giải pháp nào khác: Chúng tôi phải giải phóng lãnh thổ (của Crimea)".

Các tuyên bố gần đây của Ukraine về kế hoạch giành lại bán đảo làm dấy lên đồn đoán rằng Crimea có thể trở thành mặt trận khốc liệt tiếp theo giữa Nga và Ukraine.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine