Mỹ lên kịch bản đối phó Nga sử dụng vũ khí mạnh nhất ở Ukraine
(Dân trí) - Mỹ được cho là đã bí mật lập ra một đội đặc nhiệm khẩn cấp có nhiệm vụ lên phương án đối phó các kịch bản nghiêm trọng có thể xảy ra với xung đột Nga - Ukraine như Moscow triển khai vũ khí hạt nhân.
New York Times dẫn nguồn thạo tin ngày 23/3 cho biết, đội đặc nhiệm với tên gọi "Mãnh hổ" này được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lập ra hôm 28/2, chỉ 4 ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đội đặc nhiệm này bao gồm các quan chức an ninh quốc gia của Mỹ, họp kín 3 lần/tuần để thảo luận các phương án đối phó những kịch bản nghiêm trọng có thể xảy ra đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine như một vụ tấn công hạt nhân, tấn công hóa học, sinh học.
Nhóm này cũng xem xét những biện pháp mà Mỹ có thể ứng phó nếu xung đột vượt ra ngoài biên giới Ukraine, lan đến lãnh thổ NATO, ví dụ như Nga có thể tấn công các xe chở vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine.
Các biện pháp đối phó mà đội "Mãnh hổ" đưa ra sẽ bao gồm các kịch bản như áp lệnh trừng phạt cứng rắn với Nga, tăng cường lực lượng ở các nước NATO, trang bị vũ trang cho quân đội Ukraine. Đặc biệt, nhóm này sẽ xem xét "lằn ranh đỏ" buộc NATO phải triển khai lực lượng quân sự ở Ukraine.
Những tuần gần đây, Mỹ và các đồng minh NATO cảnh báo, Nga có thể sử dụng vũ khí mạnh nhất của họ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine và không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân.
Về vấn đề này, trả lời phỏng vấn CNN ngày 22/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Nga sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu sự tồn vong của đất nước bị đe dọa.
"Chúng tôi có khái niệm về an ninh nội địa và khái niệm này được công khai, trong đó nêu tất cả trường hợp cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân. Vì vậy, nếu có mối đe dọa hiện hữu đối với đất nước của chúng tôi, thì kho vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng theo cách của chúng tôi", ông Peskov nói.
Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine từ ngày 24/2 với tuyên bố nhằm "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraine. Moscow khẳng định, trong chiến dịch này, họ chỉ dùng vũ khí chính xác cao để tấn công các mục tiêu quân sự ở Ukraine. Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đã sử dụng các tên lửa hành trình và tên lửa siêu vượt âm Kinzhal để phá hủy cơ sở quân sự của Ukraine.
Giới chức phương Tây cho rằng, Nga dùng tên lửa siêu vượt âm ở Ukraine có thể do sắp hết vũ khí chính xác tầm xa. Một số ý kiến lại cho rằng, quyết định khai hỏa Kinzhal có thể là cách Nga phát đi tín hiệu tới Mỹ và NATO rằng Moscow sẵn sàng tăng cường sử dụng sức mạnh quân sự ở Ukraine. Tuy vậy, giới chuyên gia nhận định, Kinzhal khó có thể làm thay đổi cục diện chính trường bởi Nga không có quá nhiều tên lửa loại này.