1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ: Không có loại vũ khí cụ thể nào có thể giúp Ukraine thay đổi cục diện

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức cấp cao Mỹ cho rằng Ukraine không thể chỉ trông chờ vào một loại vũ khí và kỳ vọng rằng nó sẽ giúp làm thay đổi cục diện chiến sự với Nga.

Mỹ: Không có loại vũ khí cụ thể nào có thể giúp Ukraine thay đổi cục diện - 1

Binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến (Ảnh: Getty).

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Jonathan Finer cho biết Ukraine không thể chỉ dựa vào một loại vũ khí cụ thể nào để chiến thắng Nga. Thay vào đó, ông cho rằng Ukraine cần một nguồn cung cấp vũ khí ổn định, không bị gián đoạn để có thể duy trì nguồn lực chiến đấu với đối thủ.

Theo ông Finer, có ý kiến cho rằng sẽ có một loại vũ khí giúp Ukraine đạt được bước tiến lớn trên tiền tuyến và thay đổi cục diện, thậm chí áp đảo quân đội Nga.

Tuy nhiên, quan chức Mỹ khẳng định, điều đó sẽ không xảy ra và xung đột Nga - Ukraine không phải như vậy.

Ông Finer nói rằng ông mong muốn Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine đạn pháo và vũ khí phòng không một cách ổn định và đều đặn theo nhu cầu của Kiev.

Ông giải thích: "Nếu có hai thứ mà chúng tôi có thể cung cấp với số lượng lớn cho người Ukraine để cố gắng xoay chuyển tình thế của cuộc chiến này thì đó sẽ là đạn pháo và tên lửa đánh chặn phòng không".

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận Mỹ chưa sản xuất đủ lượng vũ khí cần thiết và cho hay, Washington đang đẩy mạnh tốc độ và kỳ vọng sẽ có "vị thế mạnh hơn" vào đầu năm sau.

Cuộc chiến Nga - Ukraine đã trở thành cuộc chiến tiêu hao nên bên nào có khả năng duy trì nguồn lực cả về vũ khí và nhân lực lâu hơn sẽ có lợi thế lớn.

Vào tháng 5, công ty tư vấn Bain & Company ước tính Nga đang sản xuất đạn pháo nhanh gấp 3 lần so với các đối tác NATO của Ukraine với chi phí chỉ bằng 1/4 khối liên minh. Nga dự kiến sẽ tân trang hoặc sản xuất tới 4,5 triệu quả đạn pháo trong năm nay.

Mỹ, giống như một số đồng minh và đối tác ở châu Âu, đang nỗ lực tăng cường đáng kể việc sản xuất đạn pháo, đặc biệt là loại đạn pháo 155m. Trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ sản xuất khoảng 14.000 quả đạn mỗi tháng, nhưng mục tiêu là nâng con số đó lên 100.000 quả vào năm 2025. Tuy nhiên, kể cả đạt được mục tiêu, con số Mỹ sản xuất vẫn kém xa Nga.

Ngoài việc chế tạo thêm đạn pháo, ông Finer nói thêm rằng Mỹ đang triển khai hợp tác sản xuất với Kiev để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng và cạnh tranh với khả năng sản xuất của Nga.

Ông Finer nhận định, xung đột giữa Nga và Ukraine về bản chất là cuộc đối đầu giữa 2 quân đội có những điểm tương đồng, do cả 2 bên đều thừa hưởng di sản từ thời Liên Xô. Chính vì vậy, bên nào duy trì được nhịp độ tấn công sẽ đạt được lợi thế lớn và Ukraine đang bất lợi trước tiềm lực quân sự mạnh mẽ của Nga trong thời gian qua. 

Quan chức Mỹ cũng cho rằng, trước đó, nhiều ý kiến không đánh giá cao việc sản xuất những vũ khí không quá hiện đại như đạn pháo, mà tập trung vào phát triển vũ khí công nghệ cao. Tuy nhiên, cuộc chiến Nga - Ukraine cho thấy năng lực sản xuất đạn dược mới được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu, kể cả trong bối cảnh tác chiến hiện đại.

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine