Ukraine lộ lỗ hổng viện trợ, Nga chớp thời cơ công phá khắp mặt trận
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng quân đội Nga đang cố gắng "lợi dụng" sự chậm trễ trong việc chuyển hàng viện trợ của Mỹ tới tiền tuyến Ukraine để tiến hành các cuộc tấn công.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 29/5 rằng, gói viện trợ quân sự được Mỹ phê duyệt gần đây phải mất "nhiều tuần" để đạt được "số lượng cần thiết" khi đưa tới chiến trường Ukraine.
ISW nhận định quân đội Nga đang cố gắng "lợi dụng" sự chậm trễ trong việc chuyển hàng viện trợ của Mỹ tới tiền tuyến Ukraine.
"Hiện tại, quân đội Nga có lợi thế tuyệt đối về đạn pháo, tên lửa… Họ sẽ cố gắng gây sức ép dọc chiến tuyến để tiến công. Sau đó họ có thể tìm cách buộc liên minh thân Ukraine chấp nhận những điều khoản không thể chấp nhận được", ông Podolyak cho biết.
ISW lập luận rằng nỗ lực của Nga nhằm "đóng băng chiến tuyến hiện tại" trong bối cảnh viện trợ cho Ukraine bị đình trệ sẽ đặc biệt "có lợi" cho chiến dịch quân sự của Moscow.
"Ông Podolyak cảnh báo rằng Nga có thể đang cố gắng buộc Ukraine và các đồng minh đóng băng chiến tuyến hiện tại. Đây là tình huống mà ISW từ lâu đã đánh giá có lợi cho Nga vì cho quân đội Nga có thêm thời gian để tái thiết và chuẩn bị cho cuộc tấn công mới vào Ukraine", ISW nhận định.
"Viện trợ quân sự bổ sung của phương Tây có thể sẽ mất nhiều thời gian để đến được tiền tuyến, đồng thời được tích hợp đúng cách vào các đơn vị tiền tuyến của Ukraine", theo ISW.
Trong những tháng đầu năm nay, Nga đã đạt được một số bước tiến quan trọng trong cuộc chiến ở Ukraine, khi viện trợ quân sự của các đồng minh phương Tây cho Kiev, đặc biệt là Mỹ, bị chậm lại đáng kể.
Mặc dù gói viện trợ trị giá hơn 61 tỷ USD cuối cùng đã được Quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào tháng 4, các chuyên gia quân sự và quan chức Ukraine vẫn tiếp tục bày tỏ lo ngại rằng viện trợ đang được chuyển giao quá chậm.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters tuần trước, Tổng thống Zelensky đã kêu gọi các đồng minh phương Tây đưa ra quyết định nhanh hơn và tăng tốc độ cung cấp viện trợ. Một số đồng minh NATO ở châu Âu của Ukraine, như Thụy Điển và Bỉ, gần đây đã cam kết gửi thêm viện trợ cho Kiev.
Ông Zelensky cũng nói rằng, không quân Ukraine, vốn dựa vào phi đội máy bay MiG cũ từ thời Liên Xô, cần các đồng minh cung cấp khoảng 130 máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất để đối phó với ưu thế trên không của Nga.
Mặc dù một số quốc gia NATO ở châu Âu đã cam kết cung cấp cho Ukraine một số máy bay F-16, nhưng quá trình chuyển giao liên tục bị trì hoãn, khiến một số chuyên gia đặt câu hỏi về tính hiệu quả của viện trợ.
William Reno, giáo sư tại Đại học Northwestern, nói với Newsweek vào đầu tháng này rằng các máy bay chiến đấu khó có thể được chuyển giao vào "thời điểm tối ưu", giống như việc Ukraine tiếp nhận xe tăng phương Tây sau cuộc phản công vào mùa thu năm 2022.
"Có xu hướng các hệ thống vũ khí sẽ xuất hiện sau thời điểm mà chúng có thể phát huy hiệu quả nhất. Trước đây từng có một thời điểm tối ưu cho xe tăng... Chúng được đưa vào sử dụng năm 2023. Nhưng sau đó, các xe tăng này bắt đầu phải đối phó với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khi chúng đánh vào những lỗ hổng trên lớp giáp, từ đó do đó hạn chế tính hữu dụng của xe tăng", ông Reno cho biết.
"Các máy bay F-16 cũng gặp phải tình huống tương tự. Độ dài của quá trình quyết định, huấn luyện và chuyển giao đã giúp lực lượng Nga có thời gian thích ứng với hệ thống phòng không, đặc biệt khi cả hai bên đã bố trí lực lượng vào vị trí phòng thủ", chuyên gia cho biết thêm.