1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ giải thích lý do không thể viện trợ thêm Patriot cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Mỹ nêu lý do nước này sẽ không gửi thêm tổ hợp phòng thủ Patriot cho Ukraine.

Mỹ giải thích lý do không thể viện trợ thêm Patriot cho Ukraine - 1

Một tổ hợp Patriot (Ảnh: Reuters).

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tuyên bố năng lực phòng không của Mỹ đang trải rộng khắp toàn cầu vì vậy họ không còn thừa tổ hợp Patriot nào để gửi tới cho Ukraine.

Ông Sullivan cho hay, Mỹ sẽ không đặt tình hình an ninh nước này vào thế rủi ro nhưng sẽ vận động các đối tác phương Tây chia sẻ năng lực phòng không với Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Nhóm liên hệ quốc phòng Ukraine hôm 26/4, Tổng thống Ukraine Volodymyz Zelensky đã đề nghị phương Tây viện trợ "ít nhất 7" khẩu đội Patriot. Tuy nhiên, Mỹ, nhà tài trợ chính của Kiev, thừa nhận rằng họ không còn hệ thống Patriot dự phòng để gửi đi.

"Các hệ thống Patriot của Mỹ đang được triển khai trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Trung Đông, để bảo vệ quân đội Mỹ. Nếu chúng tôi có thể tìm thêm các khẩu đội Patriot còn dư, chúng tôi sẽ gửi chúng đi. Mặt khác, chúng tôi đang nỗ lực cung cấp tên lửa đánh chặn cho các tổ hợp", quan chức Mỹ nhấn mạnh.

Lầu Năm Góc đã cam kết bổ sung thêm tên lửa đánh chặn Patriot như một phần của gói hỗ trợ "lịch sử" trị giá 6 tỷ USD được công bố hôm 26/4.

Tuy nhiên, các tên lửa đánh chặn có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm mới đến được Ukriaine vì lô hàng này không có trong kho dự trữ hiện có của Lầu Năm Góc. Thay vào đó, thông báo này "thể hiện sự khởi đầu của quá trình ký kết hợp đồng" với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Được sản xuất bởi tập đoàn vũ khí Raytheon của Mỹ, một khẩu đội MIM-104 Patriot có giá hơn 1 tỷ USD. Mỗi tổ hợp có khoảng 8 bệ phóng.

Mỹ đã sản xuất hơn 1.100 bệ phóng Patriot trong những năm qua. Tới nay, Mỹ mới viện trợ 1 tổ hợp Patriot duy nhất tới Ukraine.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hợp tác với các đối tác châu Âu và các đối tác ở những nơi khác trên thế giới để đề nghị họ cung cấp thêm khả năng phòng không cho Ukraine", ông Sullivan nhấn mạnh.

Vào tháng 4 năm ngoái, Ukraine đã nhận được hai hệ thống Patriot đầu tiên từ Mỹ và Đức. Vào tháng 10 cùng năm, Đức cam kết cung cấp một hệ thống Patriot khác để hỗ trợ Ukraine đối phó sự gia tăng các cuộc tấn công của Nga trong những tháng mùa đông.

Tới tháng 4 năm nay, Đức tuyên bố sẽ viện trợ thêm cho Ukraine một tổ hợp Patriot. Patriot là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đa năng, tầm bắn từ 70-160km, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết.

Patriot có khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu từ trên không, bao gồm máy bay chiến đấu, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. 

Tuy nhiên, Ukraine cho biết con số tổ hợp Patriot mà họ đang có không đủ để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng. Ukraine thừa nhận họ đã tính đến phương án mượn tạm hoặc thuê các tổ hợp này từ các nước châu Âu nhưng kế hoạch chưa được chấp thuận.  

Tại châu Âu, ngoài Đức, còn có Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Romania có tổ hợp Patriot. Trước đó, Ba Lan cũng nói rằng họ không còn tổ hợp phòng không còn thừa để viện trợ Ukraine.

Tây Ban Nha tuyên bố họ chỉ có thể cung cấp "một số lượng nhỏ" tên lửa đánh chặn Patriot chứ không phải các bệ phóng. Hy Lạp cũng tuyên bố sẽ không thực hiện hành động có thể gây nguy hiểm đến khả năng răn đe hoặc phòng không của nước này.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine