1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ đưa "Tia chớp" F-35 tới gần "điểm nóng" Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Một số máy bay chiến đấu F-35A Lightning II của Mỹ đã được triển khai tới căn cứ không quân của Đức, khi cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt.

Mỹ đưa Tia chớp F-35 tới gần điểm nóng Ukraine - 1

Máy bay chiến đấu F-35A Lightning II của Mỹ (Ảnh: Wikipedia)

Không quân Mỹ thông báo, các máy bay chiến đấu F-35A Lightning II đã được triển khai tới căn cứ không quân Spangdahlem hôm 16/2 "với sự hợp tác toàn diện của chính phủ Đức".

Thông báo cho biết các máy bay này "sẽ tăng cường sự sẵn sàng, nâng cao năng lực phòng thủ tập thể của NATO và tăng cường hơn nữa khả năng phối hợp không quân với các quốc gia đồng minh và đối tác".

"Máy bay được trang bị cho nhiều nhiệm vụ khác nhau để ngăn chặn sự gây hấn và bảo vệ đồng minh nếu việc ngăn chặn thất bại", thông báo cho biết thêm.

Tướng Jeff Harrigian, chỉ huy của Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu, cho biết đợt triển khai này "tăng cường đáng kể sự hỗ trợ của Mỹ đối với hệ thống phòng thủ của NATO".

Trong tuần này, Mỹ cũng triển khai 6 máy bay KC-135 Stratotanker tới căn cứ không quân Ramstein của Đức và 8 máy bay chiến đấu F-15E tới Lask, Ba Lan.

Phát biểu sau cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 15/2 cho biết, liên minh quân sự này đang cân nhắc các lựa chọn để củng cố "khả năng răn đe và phòng thủ", bao gồm việc thành lập các nhóm tác chiến mới.

"Các bộ trưởng đã quyết định phát triển các phương án để tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ của NATO", ông Stoltenberg nói, đồng thời cho biết kế hoạch này bao gồm việc thành lập các nhóm tác chiến mới của NATO ở trung, đông, đông nam châu Âu.

Tổng thư ký NATO tiết lộ Pháp đã tình nguyện "dẫn đầu một nhóm tác chiến như vậy ở Romania". "Các chỉ huy quân sự của chúng tôi đang làm việc chi tiết và sẽ báo cáo lại trong vòng vài tuần", ông Stoltenberg nói thêm.

Ông Stoltenberg cho rằng các động thái của Nga là lý do khiến NATO tăng cường hiện diện quân sự ở sườn phía đông.

Mỹ và các nước phương Tây gần đây cho rằng Nga đã triển khai khoảng 145.000 binh sĩ và khí tài, áp sát Ukraine từ 3 phía khác nhau. Phương Tây cảnh báo Nga có thể động binh với Ukraine vào "bất cứ lúc nào", thậm chí cuộc xung đột có thể nổ ra ngay trong tuần này.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/2 thông báo bắt đầu rút một phần lực lượng quân sự về căn cứ sau khi kết thúc cuộc tập trận ở gần biên giới Ukraine. Phía Nga nói rằng binh sĩ của nước này đã hoàn tất các cuộc tập trận quân sự ở Belarus và sẽ bắt đầu rút về vị trí triển khai thường trực. Tuy nhiên, Mỹ, NATO vẫn hoài nghi về tuyên bố này của Moscow.

Ông Stoltenberg cho biết NATO "không nhận ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga giảm bớt hiện diện quân sự ở biên giới Ukraine". Một quan chức Mỹ ngày 16/2 cho biết Nga đưa thêm 7.000 quân tới gần biên giới Ukraine.

Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc của phương Tây về kế hoạch động binh với Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 15/2 chỉ trích "cỗ máy tuyên truyền chiến tranh" của phương Tây khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo rút lực lượng gần biên giới Ukraine.

Theo www.rt.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm