Mỹ đưa "sát thủ vô hình" lên tiêm kích F-16 phương Tây cấp cho Ukraine
(Dân trí) - Máy bay F-16 của Ukraine đã được Mỹ nâng cấp khả năng tác chiến điện tử để chống lại hệ thống phòng không, máy bay của Nga.
Chuyên trang quân sự Defense Express của Ukraine đưa tin, máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine đã được lập trình lại các hệ thống tác chiến điện tử. Mỹ đã thực hiện những bản cập nhật này để giúp cho các hệ thống tác chiến điện tử của F-16 của Ukraine có hiệu quả chống lại các mối đe dọa từ Nga.
Phi đội tác chiến điện tử số 68, một đơn vị hàng đầu của không quân Mỹ, là bên giúp Ukraine nâng cấp khả năng tác chiến điện tử trên F-16.
Theo thông tin trên trang web chính thức của Phi đoàn tác chiến 350 thuộc Không quân Mỹ, đây là một hoạt động độc đáo vì nhiều yếu tố.
Đầu tiên, nhiệm vụ được thực hiện trên các vũ khí không phải do Không quân Mỹ sử dụng mà trên các tiêm kích do những nước phương Tây khác viện trợ cho Ukraine. Cụ thể, Mỹ đã lắp lên F-16 của Ukraine thiết bị ECIPS/CJS.
Đây là khí tài tác chiến điện tử rất hiệu quả trong nhiệm vụ gây nhiễu vũ khí đối phương, nhằm bảo vệ hiệu quả hơn cho F-16 trong kịch bản tiêm kích này bị tấn công.
Ngoài ra, Mỹ không có nhiều thời gian để nâng cấp năng lực tác chiến điện tử cho F-16 của Ukraine. Vì vậy, các chuyên gia Mỹ trước tiên phải xem xét tình trạng thực tế của vũ khí, sau đó hiện đại hóa phần mềm và các thuật toán mà Không quân Mỹ sử dụng để chống lại các hệ thống phòng không của Nga.
Đây là điều tạo nên sự khác biệt, vì các nước phương Tây tặng máy bay cho Ukraine như Hà Lan, Đan Mạch trước đó chưa được tiếp cận với công nghệ mới nhất của Mỹ.
Tác chiến điện tử được xem là sát thủ vô hình trong các cuộc chiến nhờ khả năng gây nhiễu, làm vô hiệu vũ khí mà không cần dùng tới thuốc súng. Ukraine kỳ vọng rằng với việc Mỹ giúp nâng cấp F-16 với năng lực tác chiến điện tử mới, tiêm kích này sẽ có khả năng tấn công uy lực hơn vào mục tiêu Nga và giảm bớt rủi ro bị bắn rơi.
Trước đó, các nước NATO đã cam kết cung cấp cho quân đội Ukraine ít nhất 60 tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất vào cuối năm nay. Vào đầu tháng 7, chính phủ Hà Lan thông báo quá trình chuyển giao các máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên trong lô 24 chiếc sắp diễn ra.
Tháng trước, Ukraine đã tiếp nhận lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên do phương Tây viện trợ. Tuy nhiên, Nga cảnh báo những máy bay này không thể xoay chuyển tình hình và sẽ bị bắn hạ.
Trong một buổi họp báo ngày 27/8, ông Zelensky cho biết các tiêm kích F-16 của nước này đã được huy động để bắn rơi tên lửa Nga trong cuộc tấn công hôm 26/8. Tuyên bố này xác nhận Ukraine đã đưa F-16 vào thực chiến với Nga.
Tuy nhiên, do Kiev vẫn thiếu phi công để vận hành phi đội máy bay và mối đe dọa từ phòng không Nga vẫn lớn, vì vậy các chuyên gia dự đoán, trong giai đoạn đầu tiên, Ukraine sẽ chỉ dùng F-16 làm vai trò phòng thủ hơn là chủ động tấn công Nga.