1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ dự đoán tương lai xung đột Nga - Ukraine sau bước ngoặt Kherson

Minh Phương

(Dân trí) - Sau những diễn biến bước ngoặt ở mặt trận Kherson, xung đột Nga - Ukraine có thể sẽ "đóng băng" ít nhất 6 tháng, giới chức cấp cao của Mỹ nhận định.

Mỹ dự đoán tương lai xung đột Nga - Ukraine sau bước ngoặt Kherson - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa một khẩu pháo về phía lực lượng Nga ở Bakhmut, miền Đông (Ảnh: AFP).

New York Times dẫn lời các quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ ngày 13/11 nhận định, đà tiến công của các bên trong xung đột Nga - Ukraine sẽ chậm lại đáng kể do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết mùa đông. Họ cho rằng, xu hướng này có thể kéo dài ít nhất 6 tháng.

Nhiệt độ thấp, mặt đất đóng băng sẽ giúp cho các xe tăng, xe quân sự di chuyển dễ dàng hơn, nhưng tuyết rơi dày, thời tiết giá rét lại gây khó khăn cho các hoạt động tác chiến của các bên nói chung.

Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định, Nga dường như sẽ tiếp tục tập trung tập kích lực lượng, căn cứ quân sự, hạ tầng trọng yếu của Ukraine.

Do vậy, họ kêu gọi Mỹ và các đồng minh nhân cơ hội xung đột đóng băng để hỗ trợ Ukraine khôi phục kho vũ khí phòng vệ và tấn công. Quân đội Ukraine được cho là sẽ tiếp tục chiến thuật tấn công, phá hoại nhằm vào các mục tiêu do Nga kiểm soát sau chiến tuyến, Seth G. Jones, Phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ), bình luận.

Bất chấp dự đoán của giới quan sát, Kiev đến nay khẳng định chiến dịch quân sự của họ sẽ không đóng băng.

"Chúng tôi không đóng băng bất cứ thứ gì. Chúng tôi có thể giành lại lãnh thổ bất chấp thời tiết thế nào", Alexey Danilov, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraine, nói hôm 12/11.

Về phía Nga, giới chức nước này chưa đưa ra bình luận cụ thể nào về kịch bản xung đột có thể xảy ra trong mùa đông tới. Tuy nhiên, giới chức Moscow nhiều lần tuyên bố sẽ đạt mọi mục tiêu đề ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Hôm 11/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các mục tiêu đó lẽ ra có thể đạt được thông qua hòa đàm, "nhưng hiện giờ là không thể do lập trường của phía Ukraine".

Hồi tháng 10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh bác bỏ mọi khả năng đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Mặt khác, ông khẳng định, Kiev vẫn để ngỏ đối thoại với Moscow.

Các cuộc hòa đàm của Nga và Ukraine bế tắc kể từ cuối tháng 3 do bất đồng về điều kiện kèm theo. David Arakhamiia, người đứng đầu đảng cầm quyền trong quốc hội Ukraine, tin rằng cơ hội nối lại các cuộc đàm phán có thể diễn ra ở nửa cuối năm 2023. Ông cũng cho rằng, Nga đang đặt vấn đề nối lại đàm phán để có thời gian khôi phục lực lượng.

Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh Nga rút quân khỏi thành phố Kherson, đưa lực lượng về bên kia sông Dnipro sau hơn nửa năm kiểm soát vùng đất chiến lược này ở miền Nam Ukraine. Ukraine và phương Tây đánh giá đây là bước ngoặt quan trọng của cuộc xung đột, một "bước lùi" đối với chiến dịch quân sự của Nga.

Trong khi đó, Ukraine thừa nhận, mặt trận Donetsk ở miền Đông rất khốc liệt, căng thẳng. "Nga không hề giảm cường độ tấn công... Chúng tôi sẽ không để họ chọc thủng phòng thủ", Tổng thống Zelensky cho biết sau khi ví cuộc chiến ở Donetsk là "cuộc chiến địa ngục".

CÁC DẤU MỐC CHÍNH TRONG XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE 

Tháng 2: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov.

Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk.

Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia.

Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10: Cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm.

Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Ngày 9/11: Quân đội Nga tuyên bố rút lui khỏi thành phố Kherson, miền Nam Ukraine.

Theo RT, Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine