Mỹ để lộ tuyến đường bí mật chuyển khí tài cho Ukraine
(Dân trí) - Ngoài đường không, Mỹ còn vận chuyển khí tài quân sự cho Ukraine thông qua đường biển và đường sắt với các điểm trung chuyển được cho là Hy Lạp, Romania, Ba Lan.
Theo trang Defense, Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ mới đây đưa ra dữ liệu infographic, trong đó cho biết số lượng thiết bị, khí tài cung cấp cho Ukraine. Đây là những dữ liệu viện trợ từ ngày 11/1/2022 đến ngày 3/1/2023.
Chi tiết đáng chú ý là lượng khí tài lớn đến mức phải vận chuyển bằng cả đường hàng không, đường bộ, đường biển và đường sắt. Quân đội Mỹ đã sử dụng cách thức này để vận chuyển hơn 1 triệu quả đạn pháo 155mm và các loại đạn dược khác cho Ukraine.
Các điểm trung chuyển có thể bao gồm cảng Alexandroupoli của Hy Lạp hoặc Constanta của Romania, nơi một đoàn xe bọc thép M1117 gửi cho Ukraine được phát hiện gần đây. Theo các nguồn tin địa phương, Mỹ đã chuyển gần 40 xe bọc thép M1117 cho Ukraine thông qua Romania. Nhân viên ngành đường sắt ở đây đã đăng tải video cho thấy khí tài Mỹ được vận chuyển từ cảng Constanta đến Ukraine, nhưng họ không nêu thời gian cụ thể.
Quy mô của "cầu hàng không" giữa Mỹ và sân bay Boryspil gần Kiev (trước xung đột), và sân bay Rzeszów ở Ba Lan cũng khá ấn tượng với trung bình 3 máy bay chở khí tài quân sự đáp xuống mỗi ngày. Đường bộ có thể là khâu cuối cùng trong chuỗi vận tải.
Lầu Năm Góc hiện chưa bình luận về những thông tin trên.
Mỹ và các đồng minh, đối tác phương Tây liên tục viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2.
Các lô vũ khí được vận chuyển bí mật cho Ukraine. Hồi tháng 3, không lâu sau khi chiến sự Ukraine bắt đầu, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley đã đến một sân bay bí mật gần biên giới Ukraine. Sân bay này được cho là đã trở thành trung tâm vận chuyển vũ khí từ nhiều quốc gia cho Kiev.
Thậm chí, từ trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, bầu trời châu Âu đã phủ kín các máy bay vận tải quân sự của Mỹ và các nước khác, đặc biệt là siêu vận tải cơ C-17 - xương sống của phi đội không vận Mỹ. Các chuyến bay này đã đưa binh sĩ đến sườn phía đông của NATO, đồng thời đưa vũ khí đến các điểm trung chuyển để chúng có thể được chuyển tới Ukraine. Tần suất của các chuyến bay ngày càng tăng lên.
Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Âu (EUCOM) là nơi điều phối chiến dịch vận chuyển vũ khí này. Họ sử dụng mạng lưới liên lạc với các đồng minh và đối tác để điều phối việc đưa các lô hàng vào Ukraine.
Nga từ lâu đã tìm cách ngăn chặn tuyến đường tiếp tế vũ khí của phương Tây vào Ukraine bằng cách tấn công các hạ tầng quan trọng như hệ thống đường sắt, nhà kho của Ukraine, đặc biệt ở miền Tây nước này, khu vực tiếp giáp với Ba Lan, nơi được cho là đầu mối trung chuyển chính.
Moscow cảnh báo, bất cứ lô vũ khí nào của nước ngoài vào Ukraine đều có thể trở thành mục tiêu tấn công "chính đáng" của quân đội Nga. Theo Nga, việc phương Tây "bơm" vũ khí cho Kiev chỉ khiến xung đột kéo dài và có nguy cơ leo thang.