Moscow cáo buộc Mỹ muốn đối đầu Nga "cho đến người Ukraine cuối cùng"
(Dân trí) - Đại sứ Nga cảnh báo các chính sách của Mỹ đối với Ukraine cho thấy Washington không quan tâm đến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 6/1 cảnh báo, quyết định của Washington về việc cung cấp xe chiến đấu bộ binh Bradley cho Kiev cho thấy Mỹ "thậm chí không cố gắng lắng nghe" những cảnh báo của Nga về "một động thái nguy hiểm" như vậy.
"Mỹ đã phát động một cuộc chiến tranh ủy nhiệm thực sự chống lại Nga bằng cách hỗ trợ Kiev ngay từ năm 2014. Bất kỳ tuyên bố nào về "bản chất phòng thủ" của vũ khí cung cấp cho Ukraine từ lâu đã trở nên vô lý", nhà ngoại giao Nga cho biết.
"Không còn nghi ngờ về việc ai đang tìm cách kéo dài cuộc xung đột này vì tất cả hành động của chính quyền Mỹ cho thấy họ không mong muốn có một giải pháp chính trị", ông Antonov nói.
Ông Antonov cảnh báo các lô vũ khí của phương Tây sẽ khuyến khích những hành động "khủng khiếp" của Ukraine, khiến dân thường ở các vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga, gồm Donbass, Zaporozhye và Kherson, thiệt mạng.
"Tất cả điều này có nghĩa là Washington cam kết chiến đấu với chúng tôi "đến người Ukraine cuối cùng", trong khi vận mệnh của người dân Ukraine không có ý nghĩa đối với Mỹ", nhà ngoại giao Nga cáo buộc.
Mỹ ngày 5/1 thông báo sẽ cấp thêm cho Ukraine gần 3 tỷ USD viện trợ quân sự, trong đó lần đầu tiên bao gồm các xe chiến đấu bộ binh Bradley. Người phát ngôn Lầu Năm Góc tuyên bố xe chiến đấu bộ binh Bradley sẽ cung cấp "cả khả năng tấn công và phòng thủ cho Ukraine để có thể thay đổi cục diện trên chiến trường".
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 5/1 nói rằng, cuộc xung đột Ukraine đang bước vào giai đoạn quan trọng và Washington "sẽ làm mọi cách có thể để giúp Ukraine đối phó Nga".
Ông Biden nhấn mạnh quyết định gần đây của Washington về việc cung cấp cho Kiev xe chiến đấu bộ binh Bradley và tên lửa phòng không Patriot nhằm củng cố năng lực quân sự của Ukraine. "Chúng hoạt động hiệu quả và đang giúp ích rất nhiều", ông Biden nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước nói rằng, phương Tây đang cố gắng không can dự trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột tại Ukraine, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 19 tỷ USD cho Kiev.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo, việc các nước phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine có nguy cơ vượt qua "lằn ranh đỏ" của Nga và dẫn đến xung đột trực tiếp. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine nhằm làm giảm khả năng vận chuyển binh lính của Kiev, cũng như ngăn cản việc phương Tây cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine.
Theo một số quan chức Mỹ giấu tên, thách thức mà Washington đang phải đối mặt khi viện trợ quân sự cho Ukraine là kho vũ khí đang cạn dần và khả năng đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp quốc phòng.