DMagazine

Thế bế tắc nguy hiểm sau 10 tháng chiến sự Nga - Ukraine

(Dân trí) - Xung đột Nga - Ukraine sau 10 tháng đã cho thấy những tác động sâu rộng không chỉ đến những nước này mà còn đến cả thế giới.

THẾ BẾ TẮC NGUY HIỂM SAU 10 THÁNG CHIẾN SỰ NGA - UKRAINE

Xung đột Nga - Ukraine sau 10 tháng đã cho thấy những tác động sâu rộng không chỉ đến những nước này mà còn đến cả thế giới.

CUỘC CHIẾN GIẰNG CO

Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia vào rạng sáng 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát lệnh mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Ông nói rằng, chiến dịch quân sự này nhằm đáp trả các mối đe dọa từ Ukraine cũng như đáp ứng lời thỉnh cầu giúp đỡ quân sự từ lãnh đạo hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk của Ukraine. Ông cáo buộc Mỹ và các đồng minh đã phớt lờ những yêu cầu của Nga trong việc ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO và đưa ra các đảm bảo an ninh cho Moscow.

Chủ nhân Điện Kremlin cảnh báo các nước khác rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm can thiệp vào chiến dịch quân sự của Nga sẽ dẫn đến "những hậu quả chưa từng thấy".

Hơn 300 ngày kể từ khi Nga tập kích hàng loạt mục tiêu trên khắp Ukraine và tìm cách bao vây thủ đô Kiev, xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sớm khép lại.

Sau các cuộc phản công chớp nhoáng ở cả miền Đông và miền Nam vài tháng trở lại đây, Ukraine đã lấy lại khoảng một nửa lãnh thổ bị Nga kiểm soát kể từ đầu xung đột.

Moscow buộc phải huy động thêm lực lượng bằng sắc lệnh động viên một phần hồi tháng 9 nhằm phòng thủ cho các vùng đã kiểm soát hoặc đã sáp nhập vào Nga như Kherson, Zaporizhia, Lugansk, Donetsk.

Hai bên đều đang dồn lực để tạo ra bước ngoặt, đặc biệt trước mùa đông, thời điểm mà giới quan sát cho rằng sẽ làm chậm đáng kể, thậm chí đóng băng đà tiến công của các bên.

Ukraine đẩy mạnh tiến công ở mặt trận miền Nam và ngăn chặn Nga kiểm soát toàn bộ vùng Donbass bằng chiến thuật tăng cường tấn công vào tuyến hậu cần và kho đạn dược của Nga.

Trong khi đó, Nga liên tục tiến hành các đợt tập kích diện rộng bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vô hiệu hóa hệ thống năng lượng của Ukraine. Moscow tuyên bố sẽ tiếp tục chiến thuật tập kích này nhằm làm tiêu hao năng lực tác chiến của quân đội Ukraine cũng như ngăn chặn dòng vũ khí phương Tây chảy vào chiến tuyến.

Giới chức Ukraine cho biết, các đợt tập kích này đã khiến hơn 50% hạ tầng năng lượng của nước này bị hư hại, hàng triệu người dân rơi vào cảnh mất điện giữa mùa đông băng giá. Mất điện cũng làm gián đoạn nghiêm trọng các hoạt động quan trọng khác của Ukraine trong bối cảnh hiện nay như công nghiệp quốc phòng, giao thông.

Tất cả điều này khiến cuộc xung đột tiếp tục rơi vào bế tắc khi không bên nào giành chiến thắng bước ngoặt ngay cả khi giao tranh ác liệt. Thậm chí, các tháng mùa đông khi đà tiến công chậm lại có thể là khoảng thời gian các bên cải thiện phòng thủ, khôi phục lực lượng cho một cuộc chiến dài hơi hơn.

Kiev đang kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây cung cấp các hệ thống phòng thủ để bảo vệ hạ tầng quan trọng và những khí tài hiện đại phục vụ cho chiến dịch phản công.

Hôm 5/12, Moscow cáo buộc Ukraine tấn công UAV vào căn cứ Engels-2 ở khu vực Saratov và căn cứ Dyagilevo ở Ryazan. Cả hai căn cứ này đều nằm sâu trong lãnh thổ Nga, cách biên giới Ukraine khoảng 500-700km. Đây là nơi đặt những máy bay ném bom không chỉ có thể mang tên lửa chiến lược, được sử dụng để tấn công vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine, mà còn có thể mang vũ khí hạt nhân và là một phần quan trọng trong lực lượng răn đe hạt nhân của Nga.

Ukraine đến nay không công khai phủ nhận hay xác nhận liên quan đến các cuộc tập kích trên. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo, những diễn biến này có thể kéo theo bước ngoặt nguy hiểm trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Moscow nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đáp trả bằng mọi phương tiện sẵn có, kể cả kho hạt nhân, nếu lãnh thổ Nga bị tấn công.

Cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu Mark Hertling tháng trước cho rằng, trong thời gian tới Nga sẽ tạo ra một cuộc xung đột đóng băng để quân đội của họ có thời gian tổ chức lại lực lượng trước khi tiến hành các đợt tấn công mới. Tuy nhiên, với những diễn biến hiện tại, kịch bản "đóng băng xung đột" dường như khó xảy ra ngay cả khi tốc độ tiến công của các bên chậm lại phần nào do ảnh hưởng của thời tiết mùa đông.

Theo các nhà phân tích, trong thời gian tới, lợi thế sẽ nghiêng về bên nào có nguồn cung khí tài và đạn dược dồi dào hơn. "Đây là cuộc cạnh tranh giữa ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây và Nga", Seth G. Jones, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ), bình luận.

ĐÀM PHÁN BẾ TẮC

Thế bế tắc nguy hiểm sau 10 tháng chiến sự Nga - Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky cùng tham dự một cuộc họp tại Điện Elysee, Pháp năm 2019 (Ảnh: AP).

Sau nỗ lực hòa đàm ở những ngày đầu của cuộc xung đột, kể từ cuối tháng 3 đến nay, Nga và Ukraine vẫn chưa thể quay trở lại bàn đàm phán. Mặc dù Nga và Ukraine đều khẳng định vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán, nhưng các bên đều đưa ra những điều kiện mà đối phương cho rằng "phi thực tế".

Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố, xung đột không thể chấm dứt cho đến khi Ukraine giành lại được tất cả lãnh thổ từ Nga, trong đó có các vùng lãnh thổ mới sáp nhập và bán đảo Crimea. Ông Zelensky thậm chí đưa ra "công thức hòa bình" gồm 10 điểm nhằm chấm dứt xung đột. Các đề xuất bao gồm Nga phải chấm dứt chiến sự và rút toàn bộ lực lượng khỏi Ukraine, cũng như đảm bảo an ninh hạt nhân, năng lượng và lương thực ở nước này.

Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Nga coi Crimea là vấn đề "không thể thương lượng". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây cho biết, việc Nga rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mà nước này kiểm soát trong chiến dịch quân sự ở Ukraine trước cuối năm nay là điều không thể. Ông nhấn mạnh, nếu Ukraine muốn hòa bình, nước này phải tính tới "những thực tế lãnh thổ mới", ngầm đề cập đến Crimea và 4 vùng mới sáp nhập Nga.

Về phía các đồng minh và đối tác của Ukraine ở phương Tây, những nước này đều công khai tuyên bố ủng hộ một giải pháp ngoại giao hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay. Tuy nhiên, các lãnh đạo phương Tây, trong đó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khẳng định không thúc ép Ukraine đàm phán, mục tiêu của họ chỉ là làm thế nào để giúp Kiev có vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: "Những gì diễn ra trên bàn đàm phán hoàn toàn liên quan đến tình hình trên chiến trường. Bởi vậy, cách tốt nhất để đạt được hòa bình lâu dài và bền vững ở Ukraine là cung cấp hỗ trợ quân sự cho nước này".

PHƯƠNG TÂY ĐỐI MẶT "LẰN RANH ĐỎ"

Thế bế tắc nguy hiểm sau 10 tháng chiến sự Nga - Ukraine - 2

Phương Tây tiếp tục viện trợ khí tài cho Ukraine (Ảnh: AP).

Bất chấp cảnh báo của Nga, Mỹ và các đồng minh phương Tây đang tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. Đến nay, Mỹ là nước cam kết viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, tổng cộng khoảng 68 tỷ USD, kể từ khi xung đột nổ ra. Các đồng minh NATO như Anh, Pháp, Đức cũng cam kết tiếp tục viện trợ đến chừng nào cần thiết nhằm giúp Ukraine bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Ngoài cung cấp khí tài quân sự như tên lửa, pháo phản lực, máy bay không người lái, xe tăng, các nước này cũng hỗ trợ huấn luyện binh sĩ Ukraine.

Tuy nhiên, phương Tây cũng chịu không ít sức ép khi cung cấp khí tài cho Ukraine, không chỉ sức ép từ Nga mà còn từ chính tình hình trong nước. Các nước này luôn phải cân nhắc ranh giới mong manh giữa viện trợ cho Ukraine và nguy cơ bị cuốn vào cuộc chiến, đối đầu trực diện với Nga.

Moscow nhiều lần cảnh báo, động thái "bơm" vũ khí của phương Tây cho Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài và lan rộng. Nga cũng tuyên bố, tất cả khí tài của nước ngoài đưa vào Ukraine đều trở thành mục tiêu tấn công chính đáng của Moscow.

Trong một động thái mang tính bước ngoặt, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm Nhà Trắng và phát biểu trước quốc hội. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Zelensky kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2.

Theo nhà khoa học chính trị Samuel Charap tại Viện nghiên cứu RAND Corporation, chuyến thăm nhằm phát đi thông điệp rằng, "cuộc chiến sẽ kéo dài và Ukraine còn cần sự hỗ trợ lâu dài của người Mỹ".

Ở một số khía cạnh, giới hạn viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine được cho là đã thay đổi với việc Washington sẵn sàng chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng, Washington sẽ không để mọi thứ vượt "lằn ranh đỏ" trong mối quan hệ với Nga. Đến nay, Mỹ vẫn từ chối cung cấp cho Ukraine các khí tài như xe tăng, máy bay chiến đấu, tên lửa tầm xa. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng, Washington sẽ hỗ trợ Kiev giành lại lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát kể từ tháng 2. Theo Wall Street Journal, điều này cho thấy Washington có thể sẽ không hỗ trợ quân sự cho Kiev giành lại lãnh thổ mà Moscow nắm giữ từ năm 2014, bao gồm bán đảo Crimea.

Ngoài "lằn ranh đỏ", việc chiến sự tại Ukraine ngày càng leo thang, các quốc gia phương Tây và Mỹ đang lo lắng về nguy cơ cạn kiệt kho vũ khí do khả năng sản xuất không tương xứng với nguồn viện trợ cho Ukraine.

"Tôi nghĩ nhiều quốc gia đang khá lo lắng. Việc viện trợ cho Ukraine cần được điều chỉnh", một quan chức NATO giấu tên chia sẻ với tạp chí Foreign Policy

Trong Chiến tranh Lạnh, phương Tây có lượng dự trữ vũ khí và các nguồn nguyên liệu cần thiết để sản xuất quy mô lớn phòng trường hợp xảy ra chiến tranh với Liên Xô. Sau sự tan rã của Liên Xô, NATO bắt đầu giảm lượng dự trữ và chuyển sang vũ khí công nghệ mới.

"NATO không có sự chuẩn bị cho một cuộc chiến quy mô như vậy với việc sử dụng số lượng rất lớn xe tăng và đạn dược", ông Frederick Kagan, cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp quốc phòng Mỹ, cho biết.

NATO đang thảo luận phương cách giúp đỡ các quốc gia trong khối về việc đảm bảo dự trữ vũ khí ở mức cần thiết và duy trì năng lực phòng thủ quốc gia. Họ hối thúc các tổ hợp công nghiệp quốc phòng tăng cường năng lực sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề này khó có thể giải quyết trong một sớm, một chiều và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguồn viện trợ vũ khí cho Ukraine trong thời gian tới.

Các chuyên gia cho rằng, khi dấu hiệu "mệt mỏi, hụt hơi" tăng dần, một số nước phương Tây dường như bắt đầu hối thúc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với những thỏa hiệp nhất định.

Hiện tại, triển vọng hòa đàm giữa Nga và Ukraine vẫn vô cùng mờ mịt. Hai bên đều có những yêu cầu nhất định trước khi chấm dứt xung đột.

Nga đã minh bạch về các điều kiện của mình khi đưa ra 4 yêu cầu đối với Ukraine để chấm dứt xung đột: phi quân sự hóa hoàn toàn, có nghĩa là Ukraine cần dừng bất kỳ loại hành động quân sự nào; sửa đổi hiến pháp của mình theo hướng trung lập (điều này sẽ ngăn cản nước này gia nhập NATO); công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, đồng thời công nhận Donetsk và Lugansk là độc lập.

Trong khi đó, Ukraine cũng kiên quyết trong các yêu cầu của mình đối với Nga: ngừng bắn ngay lập tức và rút toàn bộ lực lượng khỏi lãnh thổ nước này. Tất nhiên, Moscow không chấp nhận những điều kiện mà họ cho rằng "phi thực tế" này và đổ lỗi việc Kiev từ chối đàm phán buộc Nga phải tiến hành các cuộc tập kích tên lửa diện rộng vào hạ tầng trọng yếu.

"CÚ SỐC" TOÀN CẦU

Thế bế tắc nguy hiểm sau 10 tháng chiến sự Nga - Ukraine - 3

Đường ống dẫn khí đốt của tập đoàn Gazprom ở Kasimov, Nga (Ảnh: Getty).

Xung đột Nga - Ukraine nổ ra khi thế giới vừa trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng kép này thúc đẩy đáng kể quá trình phi toàn cầu hóa, đặc biệt trong ngành năng lượng và lương thực, làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Cả hai cuộc khủng hoảng đều khiến chính phủ các nước có xu hướng tập trung giải quyết vấn đề trong nước hơn, họ dựng lên các hàng rào đối với dòng chảy hàng hóa cũng như nguồn vốn để bảo vệ lợi ích của mình. Họ cũng áp dụng những khái niệm an ninh quốc gia rộng hơn.

Tác động rõ rệt nhất có lẽ là sự thay đổi của dòng chảy năng lượng và cuộc khủng hoảng ở những quốc gia vốn phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga. Các nhà kinh tế học từng dự đoán rằng nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng, đặc biệt nhắm đến ngành năng lượng, để buộc Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, sau 10 tháng, Nga vẫn đứng vững. Giá dầu và khí đốt tăng cao mang lại nguồn thu khổng lồ cho Nga từ việc xuất khẩu nhiên liệu.

Trong khi đó, châu Âu cho rằng, xung đột Ukraine là cơ hội để họ thoát dần phụ thuộc vào năng lượng Nga, nhưng thực tế, các nước này đang chật vật đối phó một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ. Với việc mạng lưới năng lượng tái tạo chưa được chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của mùa đông năm nay, khủng hoảng năng lượng của châu Âu được dự báo là cuộc khủng hoảng duy nhất tồi tệ theo mọi chiều hướng, mọi phương diện.

Các thành phố ở châu Âu giờ đây bớt ánh sáng hơn vào ban đêm và các đài phun nước hạn chế hoạt động, người dân được khuyến cáo mặc quần áo dày hơn vào mùa đông để hạn chế tiêu thụ năng lượng sưởi ấm. Một cảnh tượng cũng khá phổ biến gần đây ở châu Âu và bắt đầu lan sang các khu vực khác trên thế giới là người dân xếp hàng dài chờ đổ xăng dầu.

Khi cuộc xung đột kéo dài, các nhà phân tích cảnh báo, thế giới có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng tương đương, thậm chí tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 70 của thế kỷ trước, đặc biệt sau nhiều năm không đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.

Ngoài ra, xung đột cũng đe dọa an ninh lương thực toàn cầu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản. Nga và Ukraine lần lượt là các nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất và lớn thứ năm thế giới. Hai quốc gia này cung cấp 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 30% lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Hơn nữa, Nga là nhà sản xuất phân bón hàng đầu, chiếm 13% sản lượng toàn cầu, Ukraine được coi là "vựa" lúa mì của châu Âu.

Điều này dẫn đến việc các nước buộc phải "thắt lưng buộc bụng", bảo vệ chuỗi cung ứng trong nước. Tính đến tháng 5, khoảng 23 quốc gia đã áp đặt các lệnh hạn chế xuất khẩu đối với thực phẩm. Đây là một dấu hiệu cho thấy an ninh lương thực đang suy yếu.

Tình trạng thiếu lương thực, năng lượng và gián đoạn chuỗi cung ứng khiến giá hàng hóa toàn cầu tăng mạnh, kéo theo lạm phát phi mã ở nhiều quốc gia, tạo gánh nặng chi phí sinh hoạt cho người dân.

"Cuộc xung đột tại Ukraine đang tạo ra nhiều nguy cơ. Cú sốc đối với thị trường quốc tế, đối với năng lượng, thực phẩm, nguyên liệu thô đã làm suy giảm tăng trưởng kinh tế khiến lạm phát gia tăng, đe dọa an ninh lương thực và sự ổn định tài chính", Chủ tịch Ủy ban điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế Nadia Calvino nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, những nước có mức nợ cao, những nước nghèo phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, giá lương thực và năng lượng leo thang đã khiến 71 triệu người trên toàn thế giới rơi vào cảnh đói nghèo trong 3 tháng đầu tiên xảy ra xung đột. IMF dự báo tăng trưởng thế giới chỉ đạt 3,2% trong năm nay, giảm so với mức 4,9% mà họ dự báo trước đó vào tháng 7/2021 và thấp hơn nhiều so với mức 6,1% năm ngoái.

Xung đột cũng khiến hơn 14 triệu người Ukraine mất nhà cửa, trong đó hàng triệu người đã tị nạn ở các quốc gia lân cận như Cộng hòa Séc, Ba Lan, Estonia, Litva, Bulgaria và Latvia, kéo theo một cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu. Trong khi đó, hàng chục triệu người còn ở lại Ukraine đang phải đối mặt với giai đoạn thách thức chưa từng có.

Ngoài ra, cuộc xung đột đang ngày càng khoét sâu hơn rạn nứt giữa Nga và phương Tây. Kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, EU đã công bố tổng cộng 8 gói trừng phạt Nga, trong đó chủ yếu nhằm vào các ngành kinh tế then chốt của nước này, đặc biệt là năng lượng.

Moscow cảnh báo, việc phương Tây tìm cách "bóp nghẹt" kinh tế Nga trong khi không ngừng bơm vũ khí cho Ukraine đang đẩy Nga và phương Tây tiến gần hơn đến bờ vực của một cuộc xung đột trực tiếp.

Minh Phương

Theo NI, NYT, Vox, WSJ, FP

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine