1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ công bố gói viện trợ vũ khí lớn nhất cho Ukraine trị giá 1 tỷ USD

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố gói viện trợ vũ khí lớn nhất, trị giá 1 tỷ USD, cho Kiev kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Mỹ công bố gói viện trợ vũ khí lớn nhất cho Ukraine trị giá 1 tỷ USD - 1

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS (Ảnh: AP).

Lầu Năm Góc hôm 8/8 thông báo gói viện trợ vũ khí mới nhất đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt và là gói viện trợ thứ 18 dành cho Ukraine.

"Để đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng của Ukraine trên chiến trường, Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác để trang bị cho Ukraine những năng lực chính nhằm tạo ra sự khác biệt", Lầu Năm Góc cho biết.

Theo Lầu Năm Góc, gói viện trợ mới nhất bao gồm các loại vũ khí đang được "người Ukraine sử dụng rất hiệu quả để bảo vệ đất nước của họ".

Gói viện trợ mới bao gồm nhiều đạn dược cho các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (HIMARS) mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine trước đây, 1.000 tên lửa chống tăng Javelin, thuốc nổ C-4, mìn sát thương Claymore, hàng chục nghìn đạn pháo.

Lầu Năm Góc cũng có kế hoạch cung cấp 50 xe y tế bọc thép, cùng với nhiều vật tư và thiết bị y tế cho Ukraine.

Hồi tháng 7, quan chức quốc phòng Mỹ cho biết binh sĩ Ukraine bị thương sẽ được phép điều trị tại Trung tâm Y tế Khu vực Landstuhl, tây nam nước Đức nếu cần thiết. Tiếp giáp với căn cứ không quân Ramstein ở tây nam Frankfurt, đây là bệnh viện quân đội lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài.

Mỹ là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2. 

Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt khoảng 9,8 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1/2021, bao gồm 9 tỷ USD kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine. Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ mới trị giá tổng cộng 40 tỷ USD cho Ukraine vào tháng 5, sau khi viện trợ 13,6 tỷ USD trước đó.

Các quan chức Ukraine đã ca ngợi tính hiệu quả của hệ thống "hỏa thần" HIMARS do Mỹ sản xuất, gọi đây là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" trên chiến trường. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã phá hủy 6 trong số 16 hệ thống HIMARS mà Mỹ đã chuyển tới Ukraine, cũng như các kho dự trữ đạn dược.

Theo một báo cáo điều tra của CBS News được công bố tuần trước, chỉ khoảng 30% số vũ khí mà Mỹ và các đồng minh gửi tới Ukraine thực sự được đưa đến tiền tuyến.

Ukraine thời gian qua đã tích cực kêu gọi phương Tây viện trợ vũ khí trong bối cảnh Nga đang áp đảo về hỏa lực. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo, Mỹ đang "kéo dài giai đoạn khó khăn của Ukraine bằng việc cung cấp vũ khí cho Kiev".

Nga nhiều lần cảnh báo sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tới khi nào đạt được mục tiêu và các nỗ lực hỗ trợ Ukraine từ phương Tây sẽ không khiến cho Moscow bị ảnh hưởng.

Nga cũng tuyên bố sẽ coi lô vũ khí phương Tây viện trợ là mục tiêu hợp pháp của lực lượng vũ trang, đồng thời cảnh báo nguy cơ những khí tài này có thể bị tuồn ra "chợ đen", hoặc lọt vào tay các nhóm tội phạm và điều này có thể gây tổn hại tới an ninh của châu Âu cũng như thế giới.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine