Chiến sự miền Đông "nóng rực", Mỹ viện trợ 450 triệu USD vũ khí cho Ukraine
(Dân trí) - Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 450 triệu USD cho Kiev trong bối cảnh xung đột leo thang ở miền Đông Ukraine.
"Mỹ đã công bố gói viện trợ an ninh bổ sung trị giá 450 triệu USD cho Ukraine như một phần trong cam kết của chúng tôi nhằm giúp Ukraine bảo vệ nền dân chủ của họ trước sự cứng rắn của Nga", người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby tuyên bố hôm 23/6.
Ông Kirby cho biết gói viện trợ mới bao gồm các loại vũ khí và trang thiết bị quân sự, trong đó có các hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, hàng chục nghìn băng đạn bổ sung cho các hệ thống pháo đã được cung cấp và các tàu tuần tra nhằm giúp Ukraine bảo vệ bờ biển cũng như các tuyến đường thủy.
Theo người phát ngôn Nhà Trắng, Washington đã cung cấp cho Ukraine tổng cộng 6,1 tỷ USD viện trợ an ninh kể từ ngày 24/2 khi Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự và 6,8 tỷ USD kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 15/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington sẽ cung cấp thêm 1 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine, bao gồm lựu pháo và vũ khí phòng thủ bờ biển bổ sung, cũng như đạn dược cho pháo và các hệ thống rocket tiên tiến.
Ukraine ngày 23/6 thông báo đã nhận được tổ hợp pháo phản lực cơ động cao M142 HIMARS do Mỹ viện trợ. Đây là hệ thống vũ khí mà Ukraine hy vọng có thể giúp thay đổi cục diện chiến sự với Nga.
Ukraine muốn triển khai hệ thống HIMARS trên chiến trường trong bối cảnh lực lượng vũ trang nước này đang bị dàn hỏa lực của Nga áp đảo ở miền Đông. Kiev nhiều lần kêu gọi phương Tây gửi các hệ thống pháo có tầm xa hơn, vũ khí mà Ukraine cho rằng có khả năng "thay đổi cuộc chơi" trên chiến trường để đối phó với đà tiến công của Nga.
Với tầm bắn lên tới khoảng 80km, hỏa lực của HIMARS có thể hỗ trợ lực lượng Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga với độ chính xác cao hơn trong các trận chiến pháo binh đang diễn ra dọc chiến tuyến.
Ukraine liên tục kêu gọi các nước phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng thay vì chỉ hỗ trợ tên lửa phòng không, tên lửa chống tăng, đặc biệt trong bối cảnh Nga tập trung lực lượng cho mặt trận miền Đông trong giai đoạn hai của chiến dịch quân sự.
Phương Tây ban đầu tỏ ra dè dặt với đề nghị này bởi lo ngại nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga. Tuy nhiên, một số nước bắt đầu sẵn sàng cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine vì cho rằng Kiev sẽ phải đối mặt với một trận chiến khó khăn hơn nhiều ở miền Đông khi Nga dồn lực lượng về đây.
Nga nhiều cảnh báo các lô vũ khí phương Tây gửi cho Ukraine sẽ khiến xung đột leo thang. Moscow cũng tuyên bố những lô khí tài này sẽ trở thành mục tiêu tấn công chính đáng.
Quân đội Nga và Ukraine đang giao tranh khốc liệt nhằm giành quyền kiểm soát các thành phố quan trọng ở miền Đông Ukraine. Moscow tuyên bố sẽ "giải phóng hoàn toàn" Donbass, nơi có các vùng lãnh thổ ly khai được Nga hậu thuẫn.
Cho đến nay, lực lượng Nga với ưu thế vượt trội về pháo binh và các loại vũ khí khác đang dần kiểm soát các vùng lãnh thổ ở Donbass. Trong khi đó, quân đội Ukraine chịu tổn thất nặng nề sau các cuộc giao tranh.