1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ có thể cấp "báo thép" Bradley giúp Ukraine cản đường xe tăng Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết việc gửi xe chiến đấu bộ binh Bradley tới Ukraine đang được cân nhắc nhằm giúp Kiev nâng cao khả năng chiến đấu.

Mỹ có thể cấp báo thép Bradley giúp Ukraine cản đường xe tăng Nga - 1

Xe chiến đấu bộ binh Bradley (Ảnh: US Army).

Khi được hỏi về việc liệu Mỹ có đang xem xét gửi các xe chiến đấu bộ binh Bradley cho Ukraine hay không, Tổng thống Joe Biden hôm 4/1 nói rằng: "Có".

Trong khi đó, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby lại đưa ra câu trả lời khác khi được hỏi về vấn đề này.

"Tôi sẽ không tiết lộ trước các quyết định về hỗ trợ an ninh nếu thông tin đó chưa được đưa ra, hoặc những gì chúng tôi sẽ cung cấp trong các gói hỗ trợ trong tương lai", ông Kirby nói, đồng thời cho biết Mỹ vẫn đang "theo sát" Ukraine và cố gắng đáp ứng kịp thời nhu cầu của Kiev.

Bradley là xe chiến đấu bộ binh do Mỹ phát triển vào những năm 1970 để đối phó với xe chiến đấu bộ binh của Liên Xô. Bradley thường được trang bị pháo tự động 25mm và hệ thống phóng tên lửa chống tăng TOW.

Chuyên gia Mark Cancian tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) gọi Bradley là "xe tăng hạng nhẹ" giúp tăng cường "khả năng chiến đấu trên bộ" cho lực lượng Ukraine so với xe bọc thép chở quân M113.

Vào đầu tháng 12, tướng cấp cao của Ukraine, Valery Zaluzhny, nói với Economist rằng Kiev cần thêm 300 xe tăng, 700 xe chiến đấu bộ binh và 500 khẩu pháo để tiến hành các chiến dịch phản công. Trong khi một số quốc gia thành viên NATO đã gửi cho Ukraine xe tăng T-72 thời Liên Xô, Pháp hôm 4/1 tuyên bố sẽ gửi xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC cho Ukraine.

"Tổng thống muốn tăng cường viện trợ Ukraine bằng cách phê duyệt kế hoạch cung cấp xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC. Đây là lần đầu tiên xe tăng do phương Tây thiết kế được cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine", cố vấn của Tổng thống Pháp cho biết hôm 4/1, sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp và Tổng thống Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước nói rằng, phương Tây đang cố gắng không can dự trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột tại Ukraine, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 19 tỷ USD cho Kiev. CNN dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét mở rộng đáng kể chương trình huấn luyện cho các lực lượng Ukraine, bao gồm việc huấn luyện cho khoảng 2.500 quân nhân Ukraine mỗi tháng tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở Đức.

Theo một số quan chức Mỹ giấu tên, thách thức mà Washington đang phải đối mặt khi viện trợ quân sự cho Ukraine là kho vũ khí đang cạn dần và khả năng đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp quốc phòng.

Moscow đã nhiều lần cảnh báo, việc các nước phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine có nguy cơ vượt qua "lằn ranh đỏ" của Nga và dẫn đến xung đột trực tiếp. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine nhằm làm giảm khả năng vận chuyển binh lính của Kiev, cũng như ngăn cản việc phương Tây cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine