1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ cảnh báo Ukraine về mối nguy hiểm dùng vũ khí NATO tấn công lãnh thổ Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Washington cảnh báo, nếu Kiev dùng vũ khí được NATO viện trợ để tấn công vào trong lãnh thổ Nga, điều đó sẽ gây chia rẽ liên minh quân sự này và khiến xung đột leo thang.

Mỹ cảnh báo Ukraine về mối nguy hiểm dùng vũ khí NATO tấn công lãnh thổ Nga - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa lựu pháo M-777 được Mỹ cung cấp (Ảnh: Facebook).

Mỹ và các đồng minh đã thảo luận với Ukraine về nguy cơ leo thang căng thẳng nếu Kiev sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, Reuters dẫn nguồn thạo tin ngày 26/5 cho hay.

"Chúng tôi lo ngại nguy cơ leo thang, nhưng cũng không muốn đặt ra giới hạn địa lý hay trói buộc họ (Ukraine) quá nhiều về việc sử dụng vũ khí mà chúng tôi cấp cho họ", một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết.

Douglas Lute, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO và cũng là cựu tướng lục quân Mỹ, cho rằng nếu quân đội Ukraine tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga, "nó sẽ kéo theo mâu thuẫn nội bộ NATO, điều mà cả NATO và Ukraine đều không muốn".

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh phương Tây đang đẩy mạnh viện trợ vũ khí, giúp Ukraine đối phó chiến dịch quân sự của Nga. Một nguồn tin của Reuters cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc chuyển cho Ukraine các hệ thống tầm xa như hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS), về lý thuyết có thể tấn công vào sâu lãnh thổ Nga.

Chưa đầy 1 tiếng sau khi truyền thông đăng tải thông tin này, một quan chức Ukraine đã lên tiếng đề nghị Mỹ cung cấp cho Kiev loại vũ khí có tầm bắn lên đến hàng trăm km này.

"Chúng tôi cần khẩn cấp các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) M270 hoặc hệ thống pháo M142 HIMARS để bảo vệ tính mạng cho binh sĩ. Mỹ có 2.000 hệ thống MLRS trong biên chế và trong các kho dự trữ. Chỉ cần các vị cấp cho chúng tôi 200 hệ thống trong số đó, chúng tôi sẽ ngăn chặn được các cuộc tấn công", Anton Geraschenko, cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine, viết trên Twitter.

Mỹ và các đồng minh phương Tây đến nay vẫn do dự chuyển các vũ khí hạng nặng tầm xa cho Ukraine vì lo ngại xung đột vượt tầm kiểm soát, lan rộng ra ngoài biên giới Ukraine.

Tháng trước, Moscow cáo buộc quân đội Ukraine một số lần pháo kích vào các mục tiêu ở thành phố biên giới của Nga, song Kiev đã bác bỏ. Thời điểm đó, Bộ trưởng các lực lượng vũ trang Anh James Heappey nói rằng: "Việc Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga nhằm làm gián đoạn công tác hậu cần là hoàn toàn hợp pháp".

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh: "Chúng tôi quyết tâm cung cấp cho họ những gì họ cần để đối phó với Nga và giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ. Việc này không liên quan đến việc liệu người Ukraine có nên hành động vượt ra ngoài biên giới của họ hay không. Quan điểm của tôi là: Họ phải làm bất cứ điều gì cần thiết để đối phó với Nga. Và chiến thuật là do họ tự quyết định. Những gì chúng tôi đang làm chỉ là đảm bảo người Ukraine có đủ phương tiện để tự vệ, và có thể làm bất cứ điều gì cần thiết để đẩy lùi quân đội Nga".

Nga chỉ trích việc phương Tây liên tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua cảnh báo, hành động này có thể kéo theo "leo thang căng thẳng không thể chấp nhận được".

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine