Mỹ, Anh, Australia kỷ niệm một năm hình thành liên minh Aukus
(Dân trí) - Lãnh đạo các nước Mỹ, Anh và Australia ngày 23/9 đánh dấu kỷ niệm một năm hình thành thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân Aukus, khẳng định cả ba đã đạt được "tiến triển đáng kể".
Trong tuyên bố chung đánh dấu dịp kỷ niệm này, cả ba quốc gia tiếp tục tái khẳng định cam kết cơ bản đối với hòa bình và an ninh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
"Chúng tôi kiên định với cam kết của mình để Australia có được năng lực này vào thời điểm sớm nhất có thể", tuyên bố chung nêu rõ.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Aukus hiện nay, gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Liz Truss và Thủ tướng Australia Anthony Albanese cũng cho biết, 3 nước đã có "những bước tiến đáng kể" để Australia có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Họ cũng đạt nhiều bước tiến trong các lĩnh vực khác, bao gồm vũ khí siêu vượt âm, khả năng tác chiến điện tử, không gian mạng cũng như các năng lực dưới biển khác.
"Các quốc gia liên minh Aukus cũng thể hiện sự ủng hộ đối với một trật tự quốc tế tôn trọng nhân quyền, pháp quyền và giải quyết hòa bình các xung đột mà không cưỡng ép", tuyên bố chung nhấn mạnh thêm.
Ngày 15/9/2021, Mỹ, Anh và Australia ra thông báo chính thức về thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên (gọi tắt là Aukus), ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Theo các chuyên gia, Aukus được cho là nỗ lực của các đồng minh phương Tây nhằm ngăn chặn quyền lực và tầm ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc, đặc biệt là về quân sự, sức ép đối với Đài Loan, cũng như các hoạt động gây căng thẳng của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Một trong những mục tiêu đầu tiên của Aukus là đạt được tiến bộ nhằm giúp Australia có được 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị vũ khí thông thường, tất cả đều đảm bảo "tiêu chuẩn cao nhất về không phổ biến vũ khí hạt nhân".
Đó chính là vấn đề gây bất ngờ bởi thỏa thuận lần này mới là lần thứ hai chứng kiến việc Mỹ chia sẻ công nghệ thiết yếu này với một đồng minh, trước đây là với Anh theo một thỏa thuận ký kết năm 1958.
"Với tư cách là các nhà lãnh đạo, chúng tôi vẫn cam kết đảm bảo an toàn, an ninh và quản lý hạt nhân ở mức cao nhất trong nỗ lực này. Australia không tìm kiếm và sẽ không mua vũ khí hạt nhân", cả ba quốc gia nêu chi tiết trong tuyên bố chung kỷ niệm.
"Mỹ và Anh hoàn toàn cam kết thiết lập cách tiếp cận để chia sẻ công nghệ hạt nhân hải quân với Australia, đáp ứng tiêu chuẩn không phổ biến cao nhất.
Cộng đồng quốc tế có thể tin tưởng rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác minh bạch với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để đạt được cách tiếp cận nhằm tăng cường chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân", lãnh đạo cả 3 quốc gia nhấn mạnh.
Nhìn chung, Australia, Anh và Mỹ bày tỏ "niềm tự hào về lịch sử làm việc cùng nhau, cùng với các đồng minh và đối tác khác", vì lợi ích bảo vệ các giá trị được chia sẻ và do đó duy trì các quy tắc trật tự quốc tế.
"Hôm nay, khi chúng tôi kỷ niệm một năm thành lập Aukus, chúng tôi tái khẳng định cam kết đối với nỗ lực quan trọng này cũng như hòa bình và an ninh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương", tuyên bố chung kết luận.