Pháp đẩy mạnh kết nối với châu Á sau "cú sốc" AUKUS
(Dân trí) - Việc Pháp loại khỏi liên minh an ninh AUKUS giữa Anh, Mỹ và Australia đã tạo động lực để quốc gia châu Âu này đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Liên minh AUKUS giữa Anh, Mỹ và Australia, trong đó Australia rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm với Pháp, đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Paris. Đại sứ Pháp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Christophe Penot, cho hay sự việc này sẽ gây ra hiểu lầm rằng có những bất đồng trong liên minh các nước phương Tây.
Tuy nhiên, ông Penot nhấn mạnh rằng vụ việc không gây "tác động mạnh" đến chiến lược của Pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những thách thức, bao gồm sự bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc và sự cạnh tranh ngày càng cao giữa Mỹ và Trung Quốc, tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực và việc Pháp nên tham gia nhiều hơn tại khu vực là điều "hoàn toàn bình thường", ông nói.
Ông Penot cho biết Pháp đã tham gia với các quốc gia trong đó có Nhật Bản và Ấn Độ trước khi hiệp ước giữa AUKUS được công bố vào tháng 9, và Paris hi vọng tăng cường các mối quan hệ này.
"Thực tế là chúng tôi đã đánh mất mối quan hệ đối tác đặc quyền với Australia, đây là điều không ai mong muốn nhưng sự việc đã xảy ra rồi. Vì vậy, mục tiêu sắp tới của chúng tôi là thúc đẩy kết nối với Ấn Độ và Nhật Bản", ông Penot nói với các phóng viên tại Singapore.
Nhà ngoại giao Pháp đang có chuyến thăm khu vực để tham vấn song phương với các đối tác, trước khi Pháp đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu vào tháng 1 tới.
Ông Penot nhấn mạnh rằng Pháp có quan hệ đối tác chiến lược với các nước như Singapore, Indonesia, và hợp tác sâu rộng với Malaysia, Hàn Quốc và New Zealand. "Điều này rất quan trọng vì chúng là sự hỗ trợ cho sự kết nối," ông nói thêm.
Ông Penot, từng là đặc phái viên của Pháp tại Australia, cũng đã đề cập tới mối quan hệ Trung Quốc - Lithuania ngày càng xấu đi.
Trung Quốc đã gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Lithuania sau khi nước này cho phép Đài Loan mở văn phòng ngoại giao mới ở thủ đô Vilnius vào tháng trước.
Khi được hỏi EU sẽ phản ứng như thế nào trước lập trường ngày càng tăng quyết đoán của Bắc Kinh và về vấn đề Đài Loan, nhà ngoại giao Pháp nói rằng khối liên minh sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc để tìm ra "giải pháp có trách nhiệm" cho các vấn đề toàn cầu.