1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Mũi tên trúng hai đích" trong đòn không kích mới của Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga được cho là đã thay đổi chiến thuật tấn công khi tiến hành trận tập kích quy mô lớn gần đây vào Ukraine.

Mũi tên trúng hai đích trong đòn không kích mới của Nga - 1

Một hệ thống phòng không Patriot trong khóa huấn luyện cho binh sĩ Ukraine (Ảnh: Getty).

Theo các nhà phân tích, Nga đã thay đổi thành phần vũ khí được sử dụng trong cuộc tấn công quy mô lớn gần đây vào Ukraine. Chiến thuật này cho thấy sự khác biệt so với các trận tập kích trước đó của Moscow.

Các nhà phân tích cho rằng, sự thay đổi này có thể được lý giải theo hai cách: để bảo toàn lực lượng nhất định cho các cuộc tấn công của Nga trong tương lai và để xem lực lượng phòng không Ukraine phản ứng như thế nào trước các mối đe dọa khác nhau và xâm nhập lưới phòng không của Ukraine tốt hơn.

Vào đêm 23/1, rạng sáng 24/1, Nga đã tiến hành cuộc tấn công tên lửa liên tiếp vào Ukraine. Quy mô của trận tập kích lần này cũng tương đương các trận tập kích trước đó, nhưng Ukraine cho biết sự kết hợp của các khí tài được Nga sử dụng lần này có sự khác biệt.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết Nga đã phóng 4 tên lửa đất đối không S-300/S-400, 15 tên lửa hành trình Kh-101/555/55, 8 tên lửa hành trình Kh-22, 12 tên lửa đạn đạo Iskander và 5 tên lửa Kh-59/Kh-31 hướng tới các khu vực như Kharkov và Kiev.

Ukraine tuyên bố bắn hạ tất cả tên lửa Kh-101/555/55, 5 trong số 12 tên lửa Iskander và 2 tên lửa Kh-59. Những tên lửa còn lại đã chọc thủng hàng phòng ngự của Ukraine.

Việc đánh chặn một số tên lửa, như tên lửa chống hạm Kh-22 có độ chính xác cao, vốn đã là một thách thức với Ukraine, nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết đoạn video do một nguồn tin Nga đăng tải hôm 23/1 dường như cho thấy một tên lửa phóng pháo sáng mồi nhử.

Đáng chú ý, cuộc tấn công lần này không bao gồm bất kỳ máy bay không người lái Shahed-136/131, dù trước đó Nga thường xuyên triển khai các vũ khí này trong các cuộc tấn công nhằm áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine. Máy bay không người lái Shahed thường được Nga đưa vào các cuộc tấn công quy mô lớn, do vậy sự vắng mặt lần này của Shahed khiến cuộc tấn công của Nga trở nên đáng chú ý.

ISW cho biết các tên lửa trong "đợt tấn công này có thể đã sử dụng mồi nhử thay cho máy bay không người lái Shahed để thử nghiệm tính hiệu quả của việc sử dụng mồi nhử, đồng thời dự trữ Shahed cho các mục đích khác".

Một khía cạnh khác của cuộc tấn công lần này là khả năng phòng vệ của Ukraine. Ukraine được trang bị các khẩu đội Patriot do Mỹ cung cấp cũng như các hệ thống phòng không tiên tiến khác của phương Tây. Các hệ thống này đã chứng tỏ được khả năng đánh chặn các cuộc tấn công của Nga, nhưng không rõ liệu Ukraine có tiếp tục duy trì được điều này hay không.

"Các lực lượng Ukraine gần đây dường như đã thích nghi với các đợt tấn công mới của Nga, trong khi các lực lượng Nga có thể đang tiếp tục thử nghiệm các hình thức tấn công mới với các khí tài khác nhau để xuyên thủng hệ thống phòng không của Ukraine và buộc Ukraine phải triển khai các hệ thống phòng không đến một số địa điểm nhất định. Mục đích của Nga là gây căng thẳng cho lực lượng phòng không Ukraine", ISW nhận định.

Những nỗ lực của Nga nhằm tìm kiếm những lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Ukraine được thực hiện sau khi Moscow dường như đã xây dựng lại kho dự trữ đạn dược dẫn đường chính xác và tăng cường các cuộc tấn công. Từ ngày 29/12 đến ngày 2/1, lực lượng Moscow đã phóng 500 tên lửa và máy bay không người lái vào Ukraine.

Theo Business Insider
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm