1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga không kích ồ ạt, bào mòn lá chắn phòng không Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức không quân Ukraine thừa nhận kho vũ khí phòng không của nước này đã cạn kiệt khi Kiev tìm cách bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái của Nga.

Nga không kích ồ ạt, bào mòn lá chắn phòng không Ukraine - 1

Lính cứu hỏa dập tắt đám cháy tại một nhà kho ở Kiev trong cuộc tấn công tên lửa của Nga ngày 29/12/2023 (Ảnh: Reuters).

"Các cuộc không kích dữ dội của Nga buộc chúng tôi phải sử dụng số lượng hệ thống phòng không tương ứng. Đó là lý do chúng tôi cần nhiều hệ thống phòng không hơn, khi Nga không ngừng tăng cường khả năng tấn công", người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine Yury Ignat cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ukraine hôm 9/1.

Lực lượng Nga đã tăng cường các cuộc không kích trong hai tuần qua, phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào các mục tiêu trên khắp Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đã sử dụng vũ khí chính xác tầm xa và máy bay không người lái để tấn công hạ tầng công nghiệp quốc phòng của Ukraine trong những ngày gần đây. Ngoài ra, đợt tấn công cũng nhằm phá hủy các kho tên lửa, đạn dược, bao gồm vũ khí do phương Tây viện trợ cho Ukraine.

Vào sáng 8/1, một cuộc tấn công của Nga đã được thực hiện nhằm vào các cơ sở công nghiệp quân sự ở các khu vực Kharkov, Dnepropetrovsk, Khmelnitsky và Zaporizhia. Ukraine thừa nhận hệ thống phòng không nước này không đánh chặn hầu hết tên lửa của Nga.

Trước đó, cuộc tấn công của Nga hôm 29/12 đã được các quan chức Ukraine mô tả là cuộc không kích lớn chưa từng có kể từ khi xung đột nổ ra, khi 158 tên lửa và UAV được phóng, khiến ít nhất 39 người thiệt mạng.

Ngày 2/1, Nga tiếp tục tiến hành cuộc tấn công mới với hơn 130 tên lửa, trong đó có 10 "siêu" tên lửa Kinzhal và các UAV. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước cho biết, kể từ ngày 29/12, Nga đã phóng khoảng 500 tên lửa và máy bay không người lái vào Ukraine.

Người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine thừa nhận Kiev đang phụ thuộc vào nguồn cung tên lửa dẫn đường cho các hệ thống phòng không thời Liên Xô cũng như các hệ thống do phương Tây cung cấp.

Phát biểu qua video tại một hội nghị quốc phòng Thụy Điển hôm 7/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo Kiev đang thiếu các hệ thống phòng không "trên chiến trường và trong các thành phố của Ukraine".

Tổng thống Zelensky từng thừa nhận phương Tây đã mất đi sự khẩn cấp trong việc hỗ trợ Ukraine, khiến lực lượng Kiev dễ bị tổn thương khi Nga tiến hành các chiến dịch trên không và trên bộ mới.

Sự thiếu hụt các hệ thống phòng không của Ukraine diễn ra vào thời điểm Mỹ, nước viện trợ quân sự lớn nhất của Ukraine, đã cạn tiền để gửi thêm vũ khí cho Kiev.

Kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm cung cấp 61,4 tỷ USD viện trợ bổ sung cho Ukraine trong dự luật chi tiêu khẩn cấp trị giá 106 tỷ USD đã bị đình trệ tại quốc hội, trong bối cảnh các nghị sĩ đảng Cộng hòa ngày càng phản đối việc viện trợ cho Kiev.

Trong khi đó, gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (54,6 tỷ USD) của Liên minh châu Âu (EU) cũng chưa được thông qua do sự phủ quyết của Hungary vào tháng 12 năm ngoái.

Kiev đang đặt hy vọng về sự giúp đỡ ngắn hạn của nhóm các nước ủng hộ Ukraine trong khối NATO, dự kiến họp tại Brussels trong tuần này. Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết ông hy vọng cuộc gặp sẽ diễn ra sau "những cam kết nhanh chóng" nhằm giúp tăng cường khả năng phòng không của Kiev trong bối cảnh Nga tiến hành các cuộc tấn công dữ dội.

"Trước hết, chúng tôi kỳ vọng cuộc họp sẽ đẩy nhanh các quyết định quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa khả năng phòng không của Ukraine, bao gồm các hệ thống hiện đại và đạn dược của các hệ thống này", ông Kuleba nói.

Ngoại trưởng Kuleba nói thêm rằng việc cung cấp tên lửa cho các hệ thống phòng không Patriot, IRIS-T và NASAMS của Ukraine là "ưu tiên hàng đầu phải được hoàn thành ngay hôm nay, chứ không phải ngày mai".

Theo RT