1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Moscow cáo buộc Ukraine ngăn châu Âu nhận thêm khí đốt từ Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga cho rằng, châu Âu có thể nhận thêm khí đốt từ Moscow nếu Ukraine chịu mở lại một trạm trung chuyển mà Kiev đã đóng vài tháng trước trên đường ống chạy qua lãnh thổ Ukraine.

Moscow cáo buộc Ukraine ngăn châu Âu nhận thêm khí đốt từ Nga - 1

Một đường ống khí đốt của Gazprom (Ảnh: Reuters).

RT dẫn thông báo ngày 1/8 của hãng năng lượng Nga Gazprom cho biết, Moscow lẽ ra có thể chuyển nhiều khí đốt hơn cho châu Âu nếu Ukraine đồng ý mở lại một trạm trung chuyển mà Kiev đã khóa hồi tháng 5.

Đường ống khí đốt từ Nga sang EU chạy qua lãnh thổ Ukraine giờ chỉ chảy qua một trạm trung chuyển duy nhất là Sudzha. 

"Gazprom đang cung cấp khí đốt của Nga qua Ukraine tới châu Âu với lưu lượng 41,7 triệu m3 tính đến ngày 1/8 thông qua trạm Sudzha. Đề nghị mở lại trạm Sokhranovka đã bị từ chối", đại diện của Gazprom nói với các phóng viên.

Kiev đã khóa van đường ống qua trạm Sokhranovka, nơi xử lý khoảng 1/3 lượng khí đốt của Nga chảy qua Ukraine đến châu Âu, vào đầu tháng 5, viện dẫn lý do Moscow mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng. Kiev lập luận rằng, nhà điều hành vận chuyển khí đốt GTSOU của nước này không thể kiểm soát trạm nén khí ở Novopskov, vùng Lugansk do hoạt động quân sự của Nga tại đây. Vì vậy, Ukraine coi việc đóng trạm Sokhranovka là tình huống bất khả kháng.

Gazprom vào thời điểm đó cho biết, họ không thấy bất cứ lý do kỹ thuật nào ngăn cản các dòng khí đốt chảy qua Sokhranovka. Kiev đã yêu cầu hãng năng lượng Nga chuyển toàn bộ luồng khí đốt tới trạm Sudzha - điều mà Gazprom nhận định là không thể thực hiện về mặt kỹ thuật.

Gần đây, Nga cũng tuyên bố giảm lượng khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 chảy qua biển Baltic, xuống 20% công suất tối đa, viện dẫn lý do trục trặc kỹ thuật. Gazprom cáo buộc công ty Siemens của Đức - công ty sản xuất và bảo trì thiết bị - đã chậm trễ trong việc giao tua-bin nén khí khiến vấn đề kỹ thuật chưa được giải quyết.

Nguồn cung khí đốt của Nga giảm đã khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt gấp vài lần so với cùng kỳ năm ngoái, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát tại nhiều nước phương Tây. Châu Âu cáo buộc Nga "vũ khí hóa" năng lượng gây áp lực cho phương Tây, điều mà Nga bác bỏ. 

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine